Monday, September 30, 2013

ĐIỀU CHỈNH MỘT KHIẾM KHUYẾT NGHIÊM TRỌNG TRONG DỰ ÁN ĐANG ĐƯỢC VẬN ĐỘNG TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUÊ HƯƠNG


KÍNH XIN ĐIỀU CHỈNH MỘT KHIẾM KHUYẾT NGHIÊM TRỌNG TRONG DỰ ÁN ĐANG ĐƯỢC VẬN ĐỘNG TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUÊ HƯƠNG, TRONG KHOẢNG THỜI GIAN HƠN HAI TUẦN LỄ NAY.

Nguyễn Hữu Luyện.


Kính thưa Quý Vị,

Người viết lời thỉnh cầu này là một quân nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Trước khi trình bày lời thỉnh cầu điều chỉnh sai lầm nghiêm trọng của Dự Án Xây Dựng Bức Tường Tưởng Niệm 5 vi Tướng và 2 vị Đại Tá đã tự sát trong ngày 30-4-1975, người viết xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ việc làm cao cả đầy ý nghiã của các vị trong Ban Tổ Chức mà điển hình là cô Mộng Thu, Biệt Đoàn Trưởng Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn và các vị khác đã lên Đài Truyền Hình Quê Hương kêu gọi đồng bào tỵ nạn CS góp 30,000 USD để xây dựng Bức Tường Tưởng Niệm nói trên.

Mục đích của Bức Tường Tưởng Niệm là ghi lại tình thần bất khuất, phong cách anh hùng và khí phách của QLVNCH (Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà) thông qua hình ảnh của những quân nhân đã tự sát khi nhận lệnh buông súng đầu hàng vào ngày 30-4-1975.

Trong khoảng thời gian đó, Đài Phát Thanh Hà Nội, và hai tờ báo chính của Đảng và Nhà Nước CS Bắc Việt là báo NHÂN DÂN và QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN đã không ngớt lời nguyền rủa những cá nhân và tập thể binh sĩ QLVNCH đã tự sát sau khi Tổng Thống cuối cùng của VNCH là ông Dương Văn Minh ra lệnh cho QLVNCH buông súng đầu hàng. (Những chứng cớ này là có thật và có thể xin hoặc mua bản sao tại Hà Nội, nếu cần).

Trong số các vị sỹ quan đang sống ở hải ngoại, vị nào đã từng một thời có vinh hạnh được chỉ huy những BINH SĨ oai hùng đó?

Xin hỏi:
·TẠI SAO không có một binh sĩ nào tiêu biểu cho cấp BINH SĨ, đã tự sát, hiện diện trên bức tường tưởng niệm đó?
·TẠI SAO không có một HẠ SĨ QUAN nào, tiêu biểu cho cấp Hạ Sĩ Quan, đã tự sát, hiện diện trên bức tường tưởng niệm đó?
·TẠi SAO không có một SĨ QUAN CẤP ÚY nào, tiêu biểu cho sỹ quan cấp úy, đã tự sát, hiện diện trên bức tường tưởng niệm đó?



Phải chăng Ban Tổ Chức cho rằng hành động tự sát của cấp binh sĩ là không đáng để bận tâm và không đáng để hậu thế chiêm ngưỡng tinh thần bất khuất cao cả của họ? Và họ không xứng đáng để đưa lên bức tường đó cùng với các vị Tướng, Tá? Trong khi chính tầng lớp binh sĩ là những người khi sống thì đổ mồ hôi và công sức lớn lao để làm nên lịch sử, khi chết thì kiêu hùng để tạo tiếng thơm muôn thủa cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Không có thành phần binh sĩ thì QLVNCH có thể tồn tại được không? Vậy thì tại sao lại loại bỏ những tâm hồn cao cả, những thành phần cốt cán của Quân Lực ra ngoài dự án?

Sau Thế Chiến Thứ Hai, HARA KIRI đã làm cho dân tộc Nhật Bản được thế giới ngưỡng mộ.
Dân tộc Việt Nam không có tập tục Hara Kiri nhưng có những binh sĩ QLVNCH tự sát cá nhân và tự sát tập thể đã làm động tâm giới báo chí của cộng sản vậy mà tại sao đã không làm động tâm được những người trong Ban Tổ Chức xây dựng bức tường tưởng niệm?

Theo tôi, nếu QÚY VỊ MUỐN ĐỂ CHO DƯ LUẬN ĐƯƠNG THỜI CŨNG NHƯ HẬU THẾ BIẾT ĐẾN NHỮNG UẤT HẬN VÀ KHÍ PHÁCH CỦA QLVNCH TRONG NGÀY 30-4-1975 THÌ BỨC TƯỜNG TƯỞNG NIỆM ĐÓ PHẢI CÓ ĐỦ HÌNH ẢNH CỦA CÁC CẤP TRONG QUÂN ĐỘI NHƯ:

·Cấp Tướng
·Cấp Tá
·Cấp Úy (Có lưu giữ một số lý lịch và hình ảnh)
·Cấp Hạ Sĩ Quan (Có lưu giữ một số lý lịch và hình ảnh)
.Cấp Binh Sĩ (Có lưu giữ một số lý lịch và hình ảnh)

Đó mới chính là 1 bức tranh toàn cảnh, dù vô cùng đau đớn, nhưng rất đáng tự hào của QLVNCH!

Trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả các cấp đã tự sát đều là những anh hùng bất khuất và phải được đánh giá như nhau. Chúng ta tưởng niệm tinh thần của những vị anh hùng đó, nhất quyết chúng ta không phân biệt cấp bậc khi tưởng niệm những anh linh đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Khi một binh nhì kê súng vào đầu mình để bóp cò, người ấy chỉ có một nguyên nhân uất hận được bộc lộ qua khí phách của quân nhân QLVNCH. Do đó, hành động tự sát của anh binh nhì nói lên cái khí phách tột đỉnh và tấm lòng son sắt vô song: anh binh nhì khả kính đó đã tự chết theo cái chết của QLVNCH. Đó là nguyên nhân để chúng ta phải tưởng niệm.

Kính xin Quý Vị hãy vì công tâm mà nói lên lời công đạo để cho dự án Xây Dựng Bức Tường Tưởng Niệm này được đi vào quỹ đạo chân chính của nó.

Kính bút

Một Quân Nhân thuộc QL VNCH.
Nguyễn Hữu Luyện.





Tranh chấp vì tượng đài:

Bên Austin, Texas vụ thưa kiện tượng đài lên đến vị thống đốc rồi tạm chờ. Số là hội cựu chiến binh Mỹ muốn làm tượng đài tưởng niệm các sắc dân Mỹ ở Texas đã tử trận khi khi tham dự chiến tranh Việt Nam. Họ làm tượng lính Mỹ đen, Mỹ trắng, Mễ và Mỹ da đỏ. Gọi là cho đủ các sắc dân. Phía Việt Nam góp phần trong ban gây quỹ đã thỏa hiệp có lính VNCH. Thỏa hiệp rồi, nhưng có thể vì phản chiến chống đối hay là phe ta góp tiền không nhiều, ban tổ chức Mỹ bèn quyết định bỏ chiến binh VNCH, thay vào đó là anh lính da vàng gốc Tàu. Thực sự con số lính Mỹ gốc Tàu Texas hy sinh tại VN có thể chẳng có anh nào. Nhưng ghét nhau thì quyết định bỏ lời giao ước dù đã thề non hẹn biển. Cả miền Nam còn bỏ nhẹ nhàng, xá gì một bức tượng. Việt Nam ta đang phản đối mãnh liệt và quyết định sau cùng còn chờ ông thống đốc.

Chuyện tượng đài ở San Jose

Tại San Jose cũng có 1 ủy ban tượng đài chiến sĩ đã thành lập. Ông giám sát viên Dave Cortese đã dành đất, nhưng dự án vẫn còn trong vòng chuẩn bị. Từ nay đến ngày thiết kế quyên góp tài chánh phải chờ nhiều năm. Khu vườn văn hóa truyền thống do bác sĩ Ngãi nỗ lực vẫn còn ở giai đoạn đầu, chưa tính đến các tượng đài. Mới đây, anh em Viet Vet Hoa Kỳ San Jose hoàn tất 1 bức tường tưởng niệm gọi là Sons of San Jose để ghi tên các tử sĩ trong chiến tranh Viet Nam mà quê nhà là San Jose. Cô Hoàng mộng Thu, đại diện biệt đoàn văn nghệ Lam Sơn đã tổ chức thắp nến 30 tháng 4 tại bức tường này. Sau đó cô có ý kiến làm 1 bức tường tưởng niệm các tướng lãnh và chiến sĩ hy sinh tại Việt Nam và chỉ Việt Nam mà thôi. Từ ? ý định sơ khởi, Hoàng mộng Thu hăng hái tiến hành. Cô vận động được sự tán thành của các giới chức bên quận hạt Santa Clara và bên thành phố San Jose. Tượng đài này thực sự là bức tường tưởng niệm có vị trí tại khu vườn trước Việt Museum, trong History San Jose. Từ phía trước nhìn vào, một bên là con thuyền vượt biên, một thứ tượng đài cho thuyền nhân. Phía tay trái là bức tường cẩm thạch đen 3 mảnh lớn. Ở giữa là hình 7 vị tướng tá đã tuẫn tiết, hai bên là lời dẫn giải bằng Anh và Việt ngữ. Chi tiết kỹ thuật: Bức tường dài 10 F cao 7 F. Xin xem hình mẫu. Phía dưới dự trù sẽ là hình bóng (Silhouette) tiêu biểu 3 chiến thắng Mậu Thân tại Huế, Bình Long và Quảng Trị. Sẽ còn bổ túc.

Nội dung phần dẫn giải Việt ngữ như sau:

Đài tưởng niệm nhỏ bé này được xây dựng để ghi nhận và vinh danh sự hy sinh lớn lao của hàng triệu quân dân chính Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh Việt Nam1950-1975. Hàng trăm ngàn người đã chết trong cuộc chiến và sau cuộc chiến. Chết tại chiến trường, trong ngục tù cộng sản, trong rừng sâu và ngoài biển cả. Hàng trăm người đã tuẫn tiết trong thời gian cộng sản thôn tính miền Nam. Trên bức tường này là hình ảnh của 7 vị anh hùng đã tự sát hoặc bị Việt Cộng xử bắn. Những cái chết cao cả đó tượng trưng cho chính nghĩa quốc gia và tinh thần bất khuất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa , đồng thời cũng ghi dấu uất hận của ngày 30 tháng tư 1975.

Đài tưởng niệm này xây dựng năm 2013 tại VietMuseum, trong công viên Kelley Park , khu San Jose History.

This small Memorial Wall dedicated to honoring the noble sacrifices of millions civilians and service men and women from the Republic of Viet Nam during the Viet Nam War since 1950 to 1975. Hundreds of thousands of people died during and after the war, they died at the battle fields, in the communist prison camps, in the deep jungles, and the high sea. Hundreds of people had committed suicide during the invasion of the communists. On this wall appeared the pictures of the seven noble heroes who typified the Republic of VietNam Armed Forces (ARVN) staunch spirit. Among them, two took poison, four killed themselves by pistol and one was executed by shooting. Three of them are Southerners, two from the Central part of Viet Nam and two are Northerners. They were Superior Commanders and were at the age of 40. Their death marked the ARVNs unyielding spirit of the date April 30, 1975. This Memorial Wall build at Viet Museum in Kelley Park, San Jose History on 2013 

Nguyên văn bản ghi nhận như trên được khắc bằng Anh và Việt ngữ trên đá cẩm thạch sẽ là bức thông điệp cho thế hệ tương lai. Đây mới chỉ là bản thảo. Chúng tôi sẽ ghi nhận mọi đóng góp ý kiến của quý vị trong tinh thần xây dựng. Sự hy sinh cao quý của các chiến binh tuẫn tiết kể trên được coi như đã xác định suốt 38 năm qua, không có ai thắc mắc, nghi ngờ. Nội dung lời giới thiệu trong bức tường cũng đã nói lên ý nghĩa của tượng đài.

Sau đây là hình ảnh các vị tuẫn tiết (Thứ tự từ trái qua phải) 1) Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh trưởng Chương Thiện, sinh 1938 tại Rạch Giá . Sau 30 tháng tư 75 không chịu đầu hàng. Bị cộng sản bắt giam và tra vấn suốt 3 tháng rồi xử bắn tại sân ban Cần Thơ ngày 4 tháng 8-75. 2) Chuẩn tướng Trần Văn Hai,Tư lệnh sư đoàn 7, sinh 1925 Gò Công.Tự vẫn bằng thuốc độc căn cứ Đồng Tâm đêm 30 tháng 4-75. 3) Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh sư đoàn 5, sinh 1933 tại Sơn Tây. Tự vẫn bằng súng tại căn cứ Lai Khê trưa 30 tháng 4-75. 4) Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh quân đoàn IV , sinh 1927 Thừa Thiên . Tự vẫn bằng súng tại Cần Thơ sáng 1-5-75. 5) Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó quân đoàn IV , sinh 1933 Gia Định. Tự vẫn bằng súng đêm 30-4-75 tại Cần Thơ. 6) Thiếu tướng Phạm Văn Phú , tư lệnh quân đoàn II, sinh 1928 Hà Đông. Tự vẫn bằng thuốc độc tại Sài Gòn ngày 29 tháng 4 gia đình đưa vào nhà thương và chết ngày 30 tháng 4-75. 7) Trung tá Nguyễn Văn Long, Cảnh sát quốc gia Việt Nam sinh tại Huế 1930.(? Xin giúp chúng tôi xác nhận) Tự vẫn bằng súng ngay tại công trường TQLC Sài Gòn ngày 30-4-75. Hình ảnh trên báo chí và truyền hình thế giới.

Đó là câu chuyện tượng đài tại San Jose

Đây quả thực chỉ là 1 tượng đài nhỏ bé với hình thức khiêm nhường và ngân khoản dự trù khoảng $30,000.us

Đây là sáng kiến xây dựng đầy thiện chí mới mẻ của đoàn viên Lam Sơn. Nhưng riêng phần nội dung sáng tạo về hình ảnh và tài liệu chúng tôi đã sưu tầm từ 10 năm qua. Việc lựa chọn các nhân vật tiêu biểu, ghi lại cấp bậc, năm sinh và sinh quán, vị trí các anh hùng, lời dẫn giải đều đã được cân nhắc có dụng ý mà không phải ngẫu hứng tình cờ. Chúng tôi biết rằng hình ảnh và lời giới thiệu in qua PDF rồi khắc trên đá cẩm thạch từ Ấn Độ đưa qua, nếu không chính xác, đơn giản và nghệ thuật thì rất khó khăn khi cần sửa chữa. Tuy nhiên, chúng tôi luôn luôn đón chào mọi đóng góp ý kiến. Xin gửi về giaochi12@gmail.com Chúng tôi hy vọng mẫu mực của công trình này sẽ được thực hiện tại nhiều nơi về sau. Bức tường đặt tại công viên Kelly Park vì nằm trong khuôn viên San Jose History rất an toàn. Thêm vào đó nhân viên Việt Museum sẽ vừa bảo vệ vừa bảo toàn hàng ngày.

Tượng đài này dự trù sẽ hoàn tất trong năm 2013 và sẽ là tượng đài đầu tiên thực hiện trên đất công Hoa Kỳ đồng thời ghi lại hình ảnh lẫm liệt của 7 vị anh hùng đại diện cho hàng ngàn quân dân chính VNCH đã hy sinh.












Hình ảnh Trung tá Nguyễn Văn Long tuẫn tiết dưới bức tượng TQLC trước quốc hội Sàigòn do phóng viên AFP chụp vào tháng Tư năm 1975. AFP/Getty Images 


VẪN CHUYỆN TƯỢNG ĐÀI. 

Cô Hoàng Mộng Thu của biệt đoàn Lam Sơn vừa lên radio thông báo về việc San Jose thực hiện bức tường tưởng niệm các vị anh hùng Việt Nam Cộng Hòa tuẫn tiết. Trong 7 vị anh hùng dự án lựa chọn có hình ảnh của trung tá cảnh sát Nguyễn văn Long. Hình ảnh do 1 thân hữu gửi đến. Sinh quán chưa biết rõ, năm sinh chưa tìm ra. Bỗng một hôm có người gọi cho cô Thu. Thân nhân của ông Long là chúng tôi đây. Hình này không chắc là hình của cha tôi. Bà là ai vậy? Tôi là con gái của ông Long. Thưa bà ở đâu gọi vậy. Tôi ở San Jose đây này. Tôi ở đây đã 11 năm rồi.
Bức tường tưởng niệm sẽ dựng tại San Jose và hình ảnh lịch sử tại Sài Gòn, trung tá Nguyễn Văn Long tự sát tại tượng đài TQLC VN.   Cô Thu bèn điện thoại cho bác Lộc. Chết rồi bác ơi. May mà mình còn đang quyên tiền. Chưa làm hình trên đá. Hình đó không phải của ông Long. Con gái ông nói chuyện với cháu đây này. Nhưng chuyện không hay mà lại thành duyên kỳ ngộ. Tìm kiếm bao năm nay để xin tin tức, bây giờ gặp may. Tôi phải liên lạc gấp với gia đình trung tá Long ngay tại San Jose Nhắc chuyện năm xưa ...
Khi nhận ngôi nhà làm Viện bảo tàng năm 2003 cách đây 10 năm, tôi đã có ý muốn ghi lại hình ảnh các vị anh hùng tuẫn tiết. Chúng ta thường nghe nói danh tiếng của 5 vị tư lệnh tự sát được gọi là ngũ hổ tướng. Sau đó có bài viết  nhắc nhở đến vị anh hùng thứ sáu là đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử bắn tại Cần Thơ. Chúng tôi bắt đầu lưu tâm tới vị anh hùng thứ bẩy là trung tá Nguyễn văn Long.
Trên tạp chí Newsweek đã cũ vào năm 1976. Xuất xứ nguyên thủy là hình trên báo Pháp. Tờ Paris Match. Tấm hình này và chỉ cần 1 tấm hình này đã làm mờ nhạt tất cả các hình ảnh tang thương khác của miền Nam vào ngày quốc hận.

HÌNH ẢNH MỘT GIA ĐÌNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ. 

Bà Nguyễn thị Tâm năm nay ngoài 60, đã có cháu nội cháu ngoại nhưng mãi mãi vẫn là cô nữ sinh Đồng Khánh. Bằng một giọng nói xứ Huế pha tiếng Saigon, bà Tâm nói chuyện tuôn trào trôi chảy và đầy hãnh diện khi nhắc đến người cha anh hùng.
Câu chuyện 38 năm xưa kéo dài qua điện thọai giữa  canh  khuya.
Chuyện của cha tôi đã được viết đầy đủ trên báo chí, trên các web của quân đội và cảnh sát. Nhưng bây giờ chỉ nói riêng về thời gian của tháng 3-1975.
Gia đình rất đông con, tới 13 anh chị em. 6 trai 7 gái. Con trưởng là thiếu úy biệt động quân hy sinh tại Quảng Tín năm 68. Anh Nguyễn Công Phụng (1942-1968) được truy thăng trung úy.
Nhà 6 con trai mà 5 anh em đi lính. Chỉ còn con trai út 13 tuổi là học sinh. Hai lính không quân, 1 thiết giáp, 1 cảnh sát và 1 biệt động quân.
SVSQ Nguyễn Công Phụng.( Anh cả)
Tên các con trai như thể hiện ước mơ của cha.  Các anh Phụng, Hoàng, Minh, Tiến, Quang, Hội.
Các tên con gái như hình ảnh dịu hiền của mẹ. Đào, Tâm, Thiện, Hòa, Hảo, Hiền , Huê. Ngày nay có 3 chị em ở Hoa Kỳ, các anh chị em khác còn ở Việt Nam với Mẹ. Mẹ của các con tức là vợ trung tá Long qua đời mấy năm trước.
Đó là hình ảnh của 1 đại gia đình, có người cha anh hùng đã ra đi, để lại tấm hình hết sức đặc biệt.
 CÁI CHẾT CỦA CHA TÔI .   

Bà Tâm, người con gái thứ ba bắt đầu kể về những ngày cuối cùng. Lúc đó vào cuối tháng 3- 75 ở Đà Nẵng. Ba vẫn làm việc trong trại, không về nhà. Hai cậu em không quân, một ở Đà Nẵng, một ở Biên Hòa. Một cậu đưa cả nhà vào sân bay Đà Nẵng chờ di tản. Nhưng rồi cũng không đi được. Vào ngày cuối người cha về nhà không thấy gia đình. Ông nghĩ rằng vợ con có thể đã đi thoát trong phi trường. Ông xuống bãi và ra đi bằng tàu. Vào đến Saigon đã có cô con gái lớn đón cha về ở tạm.
Lúc đó mới biết vợ con còn kẹt ở Đà Nẵng. Ông Long lại vào trình diện tổng nha cảnh sát để làm việc. Trưa 30 tháng 4-75 khi radio phát thanh lời tổng thống đầu hàng thì 1 phát súng đơn độc nổ trong thái dương, trung tá Long ngã xuống. Ông buông cây súng nhỏ theo lệnh tổng thống.
Cây súng tùy thân trung tá vẫn mang theo từ Huế, Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.
Một lần nữa, xin ghi lại. Có thể đây chính là người đầu tiên thi hành lệnh đầu hàng của vị tổng thống sau cùng. Lẫm liệt và công khai.
Hình ảnh trên youtube do người vô danh đưa lên có cảnh những người dân khiêng xác vị anh hùng lên xe. Đó là hình ảnh cuối cùng. Không một tin tức nào loan báo trên báo chí cộng sản trong nước. Dân Việt từ Huế vào Sàigon không ai biết tin. Nhưng cả thế giới đều biết qua hình ảnh.
Cuối tháng 5 -1975 có người từ nhà thương Đồn Đất  (Grall) của Pháp liên lạc đưa tin về Đà Nẵng. Trong quân phục của trung tá Long có địa chỉ của gia đình. Hai vợ chồng bà Tâm thay mặt cả nhà tìm đường vào Nam. Gặp chị và em ở Saigon. Chị em tìm vào nhà xác của bệnh viện Grall. Nhân viên phụ trách mở tủ lạnh. Xác cha cô vẫn còn nguyên vẹn. Quân phục, cấp bậc huy hiệu và mũ cảnh sát. Nhân viên nói lại rằng nhà thương cho biết đây là di hài một người anh hùng. Phải bảo quản chờ thân nhân. Phải giúp cho gia đình tẩm liệm mai táng chu đáo. Chị em lúc đó giữa cuộc đổi đời đành gạt nước mắt đi chôn cha tại nghĩa trang Bà Quẹo.
Chuyện đó đã xảy ra 38 năm xưa. Đây là lần đầu tiên có người hỏi và bà kể rõ lại cái chết của cha. Chúng tôi có hình của ông bà trung tá Long thời còn trẻ nên không giống hình thời 75. Bây giờ có hình chính xác. Lại còn tìm hiểu thêm giờ tổng thống phát thanh lệnh đầu hàng và giờ ông Long tự kết liễu cuộc đời căn cứ vào bóng mặt trời trong tấm hình. Làm sao phóng viên báo Pháp lại tình cờ có mặt để chụp hình. Di hài trung tá Long nằm đó bao lâu. Có nhiều bệnh viện quanh Sài Gòn sao lại chở vào nhà thương của Pháp. Phải chăng có mối liên hệ với anh phóng viên?
Trước đó một ngày, 29 tháng 4, thiếu tướng Phạm văn Phú tự tử bằng thuốc cũng trong nhà thương Grall của Pháp. Qua đến 30 tháng tư ông mới ra đi. Khi uống thuốc tự vẫn, ông Phú chưa biết đến lệnh đầu hàng. Ông chỉ uất hận vì trách nhiệm bỏ Vùng 2. Cái chết của ông Long hoàn toàn vì lệnh đầu hàng 30 tháng tư. Ngày 30 tháng tư trong cuộc chiến Việt Nam, đã  có nhiều tấm gương oanh liệt. Trường hợp của ông Long là cái chết hào hùng nhất. Ông đã chọn đúng giờ và đúng chỗ.
Thời gian là trưa 30 tháng 4-1975 và địa điểm là chết giữa lòng Saigon. Phương cách chết là cầm súng bắn vào đầu. Gia đình ông có 5 con trai trưởng thành và đi lính hết. Nhưng dù trai hay gái, tất cả đều thấm nhuần giáo huấn của cha. Tất cả đều sống hòa thuận và yêu thương đất nước. Các con đều hiểu được tấm lòng của cha khi quyết định hy sinh vào ngày quốc hận 30 tháng 4 năm 1975. Đó là lý do chúng tôi đã chọn được vị anh hùng thứ bẩy để đưa vào tấm bia vĩnh cửu. Gia đình còn lại 12 người con và bây giờ hơn 30 người cháu ở 2 bên bờ Thái bình Dương đều không quên ngày 30 tháng tư.
Ngày tang đất nước và ngày giỗ người cha anh hùng.
Giao Chỉ 











Ông Vũ Văn Lộc

  1. ANH HÒA ƠI ! XIN CÓ Ý KIẾN GÓP Ý VỚI BẠN VẬN ĐỘNG TƯỢNG ĐÀI , NÊN GHI TÊN NHỮNG SĨ QUAN - HẠ SĨ QUAN VÀ BINH SĨ CẤP THẤP ĐÃ HY SINH TUẪN TIẾT TRONG NGÀY MẤT NƯỚC VÀO BẢNG VÀNG, HƠN LÀ NHỮNG MẠNH THƯỜNG QUÂN ĐÓNG GÓP, GHI RÕ CẤP BẬC SỐ QUÂN ĐƠN VỊ NẾU CÓ TIỂU SỬ CÀNG TỐT.
    KINGBEEMAN
    ReplyDelete
  2. From: Loc Vu
    To: dan Nguyen ; hoangmongthu
    Sent: Friday, September 6, 2013 10:45 PM
    Subject: Re: Góp Ý Cùng Ông Vũ Văn Lộc

    Xin phuc dap ong Nguyen Dan va anh em
    1)Xin ghi nhan y kien cua anh em. Chung toi rat quan tam
    2)Nhung cong viec chung toi lam thi bat cu ai cung co the lam duoc.
    3)Chung toi se theo loi khuyen cao cua quy vi se lam việc làm có “liêm sĩ” đúng nghĩa. Khong để vong linh những “anh hùng” tủi phận .. Khong de người sống thêm đau xót ngậm ngùi.
    4)Ca nhan toi (Vu van Loc) chi danh cho cho buc tuong va phac hoa noi dung buc tuong. Viec vinh danh cac vi anh hung do toan the cong dong da tuyen duong suot 38 nam qua. Toi khong lua chon de dua ra cac danh tinh nay. Cac ban thay co y kien ve danh sach nay xin cho biet.
    5) Viec co Thu loan bao se ghi danh dac biet nhung nguoi gop 500 tro len la the le thong thuong cua ban ghi danh an nhan. Tren tat ca cac tuong dai deu theo the thuc nay.Co noi thi an dinh 500 co noi thi an dinh 1000 hay 2000. Ngoai ra du gop nhieu hay it ban to chuc deu ghi danh vao so vang theo ngay thang ung ho.
    6)Cam on cac ban da gop y kien va gop qua thang than.
    Du la quan nhan nhung neu thuc su la y kien xay dung
    cung nen trinh bay nhe nhang hon.
    7)Sau cung, chung toi moi quy vi den tham vien bao tang
    va mo hinh buc tuong tai cho de hieu ro du an.
    Neu dong y toi se thu xep de quy vi gap ban to chuc.
    Tran trong
    VVLOC
    ReplyDelete
  3. 2013/9/6 dan Nguyen

    Góp Ý cùng Ông Vũ Văn Lộc

    Chúng tôi là quân nhân thuộc Nha Kỹ Thuật/BTTM hiện ngụ tại San Jose California. Cũng hơi tiếc là vừa mới biết tại San Jose (công viên Kelly Park) sẽ được xây dựng bức tường tưởng niệm quân nhân QLVNCH hy sinh vì tổ quốc

    Một bức tường ghi khắc các vị tướng tuẩn tiết (5 tướng và 2 đại tá), bằng hình ảnh và tên tuổi các chiên sĩ, quân, cán, chính đã vị quốc vong thân - để vinh danh và tưởng niệm - Một việc làm rất là cao cả, chính đáng và đáng được trân trọng.

    Ai là người chủ trương thực hiện?

    Theo như tin tức được phổ biến thì: Cô Hoàng mộng Thu trưởng Biệt đoàn văn nghệ Lam sơn có nhả ý và quyết tâm đứng ra vận động xây dựng. Và Ông (đ/tá Vũ văn Lộc) thu thập chứng tích tài liệu (từ 10 năm qua), và cũng có thể là chính ông, một thành viên để bình chọn, quyết định ai là người xứng đáng được tạc hình, ghi danh trên tường tưởng niệm?

    Vì chúng tôi chưa được biết có một “Ban” hay “Tiểu Ban” nào (những người phải rất xứng đáng và có lòng) để xét duyệt bình chọn. Ngoại trừ Ông (đ/t Lộc) kêu gọi góp ý và cô Hoàng mộng Thu thực hiện?

    Kính thưa ông cùng cô Hoàng mộng Thu. Theo chúng tôi thiển nghĩ: Việc thực hiện/ thiết lập một bức tường tưởng niệm các anh hùng VNCH là thiêng liêng và vô cùng hệ trọng. Vì đây là những “ANH HÙNG” – các anh hùng tuẩn tiết, hy sinh vì tổ quốc. Không thể đơn giản một vài cá nhân đứng ra chủ trương vận động/ thực hiện.

    Nơi hải ngoại này, những người có thể đáng được tin cậy để có trọng trách đề nghị vinh danh và thực hiện tưởng niệm anh hùng là ai? Theo thiển nghĩ: Những người đã tỏ ra kiên cường, bất khuất trước địch quân. Những người bị tù đày. Những người không trốn chạy, không đầu hàng, âm thầm chống địch. Những người từ 38 năm qua vẫn một lòng vì tổ quốc, dân tộc, kiên cường chống lại kẻ thù chung là CSVN. Và cũng còn có nữa là gia đình, hậu duệ của những người đã hy sinh tuẩn tiết. Ông đã tìm thấy và biết đến họ chưa?

    Còn riêng Ông – đ/tá Vũ văn Lộc – không có “vinh dự” đó. Nói như thế chắc là ông phải hiểu. Ông là ai? Phẩm cách của một quân nhân? So với những người đã hy sinh vì tổ quốc? Vì thế, cá nhân ông không đáng được chúng tôi tin cậy để ông tự ý đứng ra vinh danh những anh hùng - anh hùng đời đời đáng kính.

    Và cô Hoàng mộng Thu: Qua những lần vận động, được phỏng vấn trên đài Quê Hương, chính cô đã rõ ràng xác nhận là cô và gia đình (chồng con) không có liên quan gì đến quân nhân QLVNCH, và thậm chí còn tuyên bố; “chả biết lính (VNCH) là ai?” Thì có tư cách gì để cô vận động quyên góp tiền bạc để xây dựng tường tưởng niệm?

    Lại nữa, trong phần kêu gọi đóng góp tiền, cô đã nói rằng: ai góp từ 500 đô la trở lên sẽ được ghi khắc tên (ân nhân) trên “biển vàng”. Tại sao lại có lời kêu gọi (vì tiền) mà phân biệt lạ lùng như thế? Những người có thu nhập cao, 500 đô la đối với họ là “chuyện nhỏ”. Còn tấm lòng đối với những người thu nhập quá thấp, họ đóng góp không tới 500 đô la thì chỉ xứng đáng ghi danh vào “bảng đen” chăng?

    Chỉ một đôi lần, có dịp theo dõi qua sự việc và hành vi vận động kêu gọi góp phần xây dựng bức tường tưởng niệm, chúng tôi nhận thấy những điều “bất xứng”. Vì thế mới mạo muội lên tiếng.

    Ông Vũ văn Lộc và cô Hoàng mộng Thu đã có kêu gọi đóng góp ý kiến, thì đây là lời góp ý của chúng tôi. Hy vọng Ông và Cô Thu quan tâm. Chúng tôi kính mong một việc làm có “liêm sĩ” đúng nghĩa. Đừng để vong linh những “anh hùng” tủi phận . Và bao người (còn sống) thêm đau xót ngậm ngùi.

    Có thể là lời thật mất lòng. Quân đội, người lính đã quen ăn ngay nói thẳng.

    Kính chào Ông.

    San Jose 6/9/2013.
    Nguyễn Dân. Nguyễn Thuận.
    Cùng một số anh em chiến hữu NKT/Bắc CA.
Các phản hồi trên NET và Diễn Đàn

Wednesday, September 11, 2013

Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa






Không biết bắt đầu từ thưở nào có một quy-luật hình thành là ở một thể-chế chính-trị, đều thành lập một lực-lượng để bảo-vệ mình, lực-lượng đó được gọi là quân-đội.

Quân-đội sinh ra từ chế-độ và nó cũng vẽ nên những chân-dung của chế-độ. Chế-độ tốt sẽ xây-dựng nên một quân-đội tốt. Quân-đội tốt sẽ không dung dưỡng một chế độ xấu. Từ hơn hai nghìn năm về trước, người lính Việt-Nam với chiếc áo trấn-thủ, mang gươm giáo ngàn xưa để gồng gánh trên vai những nhiệm vụ giết thù diệt loạn, bảo quốc an dân, giữ gìn cơ-nghiệp của tiền-nhân. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, hình ảnh của người lính thay đổi qua bao thời-thế, nhưng trách nhiệm không hề thay đổi.

Người thanh niên tuổi trẻ Việt-Nam từ khi bước vào quân trường, khoác vội bộ đồ trận, lưng mang vác ba lô cho tới khi anh đứng nghiêm với lời tuyên-thệ Vị Quốc Vong Thân. Người tuổi trẻ đã trở thành người lính. Anh trưởng thành hơn bóng dáng của quê hương.. Người lính với chiếc nón sắt xanh đậm tròn tròn như nửa vầng trăng in rõ bóng trên nền trời xanh lơ. Anh đã bước ra, tay ôm súng và chân mang giày trận, anh giẫm mòn nửa vòng đất nước đi canh giữ cho quê hương.

Bắt đầu từ thập niên 60, khi kẻ thù phương Bắc, với xe tăng súng cối, với những chủ-thuyết ngoại lai, với những xích cồng nô-lệ, đã toan tính nhuộm đỏ quê-hương. Thì từ đó, người lính đã hiện diện trong tuyến đầu lửa đạn. Anh mang vác hành trang, chiếc ba lô nặng cồng kềnh để chận bước quân thù, để bảo vệ miền Nam. Đất nước hai mươi năm chiến tranh, hai mươi năm dài người lính hầu như không ngủ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn ngày để anh đi từ sáng tinh mơ, chân giẫm ướt ngọn sương mai trên cỏ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn đêm, bóng anh mịt mờ trong núi rừng lạnh giá. Hai mươi năm, anh nghe tiếng đại bác vang trời không nghỉ. Tiếng mưa bom đạn réo bên mình. Tiếng xe tăng nghiền nát đường quê hương. Hai mươi năm, anh đã đem sinh mạng của mình đặt trên đường bay của đạn. Đã đem hy-vọng cuộc đời đặt trên khẩu súng thân quen. Hay đã đem tình yêu và nỗi nhớ đặt trên đầu điếu thuốc. Hai mươi năm chiến tranh có bao ngày anh được ngủ yên trên chiếc giường ngay ngắn. Có bao đêm anh mơ được trọn giấc bình yên. Hay anh đã sống thân quen với đời gian khổ và đánh bạn với gian nguy. Anh với đầu đội súng và vai mang ba lô, lội qua những vũng sình lầy nước ngang tầm ngực. Anh đã đi qua những địa-danh xa lạ: Ashau, Ia-Drang, Kontum, Pleime, nơi giơ bàn tay cũng không thấy được bàn tay, hay anh truy địch ở bờ sông Thạch-Hãn lừng lững sương mai, ở phá Tam-Giang sóng vỗ kêu gào hay ở Cổ Thành xứ Huế mù sương. Dài dọc xuống Miền Nam với rừng Tràm, rừng Đước, đến Đồng Tháp Mười anh đã nghe muỗi vo-ve như sáo thổi. Anh đã đến những nơi mà anh không tưởng, anh đi diệt địch và anh đã ngã xuống địa danh chẳng quen dấu chân anh. Người lính nằm xuống ở Miền Nam xanh tươi ngọn mạ, ở những vùng trầm se rét Miền Trung, hay ở Miền Đông xác thân thối rửa. 





Từ Ấp Bắc, Đồng Xoài, Bình-Giã...cho tới Tống Lê Chân, An-Lộc, Bình Long, người lính đã căng rộng tấm poncho để che kín bầu trời Miền Nam được yên ấm tự do. Nối gót tiền-nhân, người lính, mỗi người lính đã đem 3.8 lít máu tươi, tưới cho thắm tươi hoa lá ruộng đồng, đã đem mỗi một 206 lóng xương khổ nạn của mình cắm trăm nẻo đường quê hương muôn ngã, để cho chính nghĩa quốc gia tự do được tồn tại. Để cho người dân quốc gia được sống no ấm ở hậu phương.

Những người dân quốc gia, những người dân quốc gia không hề muốn trở thành dân Cộng Sản, những người quốc gia luôn muốn bỏ chạy khi Cộng-Sản tới và núp bóng người lính để được sống an nhàn ở chốn hậu-phương. Họ hoàn toàn trao trọng trách bảo vệ quốc gia, ngăn thù dẹp loạn như một thứ công việc và trách nhiệm của người làm nghề lính, như thể không liên quan gì tới họ. Và họ tự trấn an lương tâm rằng người lính sẽ không bao giờ buông súng và sẽ mãi mãi bảo vệ họ tới cùng. Vì thế, họ luôn yên tâm sống ở hậu phương, yên tâm kiếm tiền và tranh đua đời sống xa hoa phè phỡn trên máu xương của người lính.

Và ở hậu phương, người lính đồng nghĩa với nghèo, đời lính tức là đời gian khổ, và tương lai người lính đếm được trên từng ngón tay. Thế nên, người lính về hậu phương, anh ngỡ ngàng và lạc lỏng. Bỗng hình như anh cảm thấy mình như người Thượng về Kinh. Như vậy thì người ta tội nghiệp người lính và yêu người lính để thể hiện tình quân nhân cá nước trong sách vở, báo chí và truyền hình.

Người lính bị bắt cóc vào văn chương tiểu thuyết là những người lính giấy, vào văn chương để tự phản bội chính mình, để thoả mãn cho những kẻ trông con bò để vẽ con nai, và ngồi phòng khách để diễn tả chiến trường đỏ lửa. Người lính trên trang giấy ngang tàng và hung bạo, chửi rủa chính phủ, chống chính quyền và ghét cấp chỉ huy, lính la cà trong quán rượu, uống rượu chẳng thấy say, và càng say càng đập phá. Người lính xuất hiện trên sân khấu thì phong lưu và đỏm dáng hay trắng trẻo no tròn. Anh mặc đồ trận mới toanh còn nguyên nếp gấp, ngọt ngào chót lưỡi đầu môi anh ca bài ca mời gọi ái tình. Và người yêu của anh lính là những cô mắt ướt môi hồng, áo quần xa hoa lộng lẫy, thề non hẹn biển yêu lính trọn kiếp trong ti vi. Như vậy thì quá mỉa mai cho cái gọi là Anh trai tiền tuyến, Em gái hậu phương. Trong khi đó, ở ngoài đời những người vợ lính là những người chống giữ thầm lặng ở xã hội hậu phương.


Đó là những người đàn bà bình dị với tấm áo vải nội hoá rẻ tiền, với đôi guốc vông kẻo kẹt, đóng vai vừa là người mẹ vừa là người cha nuôi con nhỏ dại, gói ghém đời sống bằng lương người chồng lính chỉ vừa đủ mua nửa tháng gạo ăn. Đó là những người đàn bà tất tả ngược xuôi, lăn lộn thăm chồng ở các Trung-Tâm Huấn-Luyện, hay ở những nơi tiền đồn xa xôi với vài ổ bánh mì làm quà gặp mặt. Đó là những người âm thầm và lặng lẽ, chịu đựng và hy sinh để chồng luôn an tâm chống giữ ngoài trận tuyến với đối phương. Hạnh phúc của họ mong manh và nhỏ bé, bất chợt như tình cờ. Có thể ở một thỏi son nhỏ bé mà người lính mang về để tặng vợ, có thể là một chiếc nón bài thơ, hay chút tình cờ ở một buổi tối người lính chợt ghé nhà thăm vợ. Hạnh phúc ở trong chén trà thơm uống vội, hay ở lúc nhìn đứa con bé nhỏ chào đời tháng trước. Người vợ lính cũng là những người hằng đêm thức muộn để lắng tai nghe tiếng đại bác thâu đêm, rồi định hướng với lo âu trằn trọc. Đó là những người đàn bàmàsau mỗi lần đơn vị chồng đụng trận, đi thăm chồng giấu giếm mảnh khăn sô. Trong nỗi chịu đựng hy sinh, âm thầm và kỳ vĩ, họ vẫn sống và luôn gắng vượt qua để cho người chồng an tâm cầm súng. Để anh, người lính, anh mang sự bất công to lớn, sự bạc đãi phủ phàng, anh vẫn đi và vẫn sống, vẫn chiến đấu oai hùng giữa muôn ngàn thù địch.

Ở chiến trường, anh đối diện với kẻ thù hung ác, ở hậu phương anh bị ghét bỏ khinh khi, trên đầu anh có lãnh đạo tồi, sẵn sàng dẫm xác anh để cầu vinh cho họ, đồøng minh anh đợi bán anh để cầu lợi an thânï. Những người dân của anh, những người anh hy sinh để bảo vệ từ chối giúp anh truy lùng kẻ địch, và điềm nhiên để anh lọt vàổ phục kích của địch quân. Những người dân bán rẻ linh hồn cho quỷ, tiếp tay cho địch thác loạn ở hậu phương, đó là những kẻ chủ trương đòi quyền sống, trong đó không bao gồm quyền sống của anh. Những kẻ để trái tim rung động tiếc thương cho cái chết của kẻ thù nhưng dửng dưng trước sự ngã xuống của anh. A dua, xu thời là bọn báo chí ngoại quốc thiên tả, lệch lạc ngòi bút, ngây thơ nhận định, mù quáng trong định kiến. Tất cả vây quanh anh để tặng cho anh những đòn chí tử. Người lính bi hùng và bi thảm. Anh chống địch mười phương, tận lòng trong đơn độc, anh vẫn hy sinh và chống giữ tới hơi thở cuối cùng. 





Ngày Hoà Bình, 28 tháng Giêng năm 1973 hiệp-định Paris được ký kết. Hoà Bình thật đến trên trang giấy, đến với thế giới tự do. Thế nên, thế giới tự do nâng ly để chúc mừng cho hoà bình của họ và nhận giải Nobel. Nhưng hoà bình đến ở Việt-Nam tanh hôi mùi máu, đen ngòm như tấm mộ bia. Và anh, anh là vật thụ nạn trong cái hoà bình bi thảm.

Người lính vẫn tiếp tục ngãxuống, đem xác thân đắp nên thành luỹ để ngăn bước quân thù. Từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, từ ngàn xưa và cho tới ngàn sau, có một quân đội nào mang số phận bi thương và oai hùng như người lính? Những người lính chịu uống nước rễ cây và đầu không nhấc thẳng, đi luồn dưới Rừng Sát suốt 30 ngày không thấy ánh mặt trời. Những người lính đi hành quân mà không người yểm trợ để hai ngày ăn được bốn muỗng cơm, hay ăn luôn năm trái bắp sống và những lá cải hư mục ruỗng, miệng thèm một cục nước đá lạnh giữa cái nắng cháy da. Người lính, người ở địa đạo Tống Lê Chân ăn côn trùng để tử thủ giữ ngọn đồi nhỏ bé. Người nằm xuống ở An-Lộc, Bình Long. Và thủ-đô, vòm trời thân yêu mà anh mơ ước để tang truy điệu cho anh chỉ có ba ngày. Ba ngày cho sinh mạng của năm ngàn người ở lại. Người ta lại tiếp tục vui chơi và quên đi bất hạnh. Bởi bất hạnh nào đó chỉ là bất hạnh của riêng anh.

Người lãnh đạo anh còn mè nheo ăn vạ. Và anh, anh phải đóng trọn vai trò làm vật hy sinh. Trước nguy nan, lãnh đạo anh tìm đường chạy trốn thì anh vẫn còn cầm súng ở tiền phương. Anh đã chống giữ, chịu đựng từng đợt xung phong ở Ban-Mê-Thuột mỗi ngày 24 giờ, không có ai yểm trợ, tiếp tế từ hậu phương. Nhưng ở đó, anh vẫn phải tử thủ cho con đường tẩu thoát của cấp lãnh đạo anh tuyệt đối được bình yên.

Và đồng minh của anh, người đồng minh đã từng sát cánh, cùng chia sẻ nỗi gian nguy ở Hạ Lào, Khe Sanh dưới trời mưa pháo, nay lại nghiễm nhiên nhìn anh đi những bước cuối cuộc đời. Phải chăng nhân loại đang trút những hơi thở cuối cùng nên lương tâm con người đang yên nghỉ? Cho nên, cả thế giới lặng câm để nhìn anh chết. Không chỉ cái chết riêng cho mỗi mình anh, vì bởi dưới đuờng đạn xuyên qua, xác thân anh ngã xuống thì đau thương đã vụt đứng lên. Cái bi thương có nhân dáng lớn lên và tồn tại suốt ngang tầm trí nhớ. Và người lính, anh vẫn kỳ vĩ và chịu đựng như vị thần Atlas mang vác quả địa cầu, người lính đã mang vác và bảo vệ mấy trăm ngàn người dân trên đường triệt thoái. 

 


Trên những con đường từ Cao Nguyên không thiếu những người lính gồng gánh cho những người cô dân chạy loạn. Tay anh dẫn em thơ, tay dắt mẹ già chạy trong cơn mưa pháo. Và anh đã làm dù, làm khiên đỡ đạn, cho nên thân xác anh đã căng cứng mấy đường cây số, hay xác làm cầu ở tỉnh lộ 7B, anh đã chết ở Cao Nguyên lộng gió và đếm những bước cuối đời ở ngưỡng cửa thủ đô. Bởi lãnh đạo đầu hàng nên anh nghẹn ngào vất đi súng đạn. Với nham nhở mình trần, anh vẫn chưa tin đời đã đổi thay. Có thật không? Hai mươi năm chiến tranh kết thúc? Giã từ những hy sinh và gian khổ của hôm qua? Có thật không? Ngày buông rơi vũ khí, anh mơ được về để an phận kẻ thường dân? Và có thật không? Anh được đi, được sống giữa một quê hương rối loạn tràn ngập bóng quân thù?

Anh đã khóc nhiều lần cho quê hương chinh chiến và đã khóc nhiều lần cho những xác bơ vơ. Lính khổ lính cười, dân khổ để người lính khóc. Và có ai, từng có ai trong chúng ta đã khóc thương cho đời lính? Thương cho người lính với trái tim tan vỡ từ lâu. Bởi trái tim anh đãõhơn một lần để lại dưới chân Cổ Thành Quảng Trị, ở một mùa Xuân xứ Huế năm nào, ở Hạ Lào, Tống Lê Chân hay ở trong cái nồi treo lủng lẳng trên ba lô khi anh hô xung phong để tiến vào An Lộc? Người lính thật sự trái tim anh tan vỡ từ lâu.

Lịch sử đã sang trang, và loài người đã bắt đầu đi những bước cuối cùng trên trái đất? Thế nên thời trang nhân loại là thứ phấn hương tàn nhẫn, và môi tô trét thứ son vô tình. Cả thế giới đồng thanh công nhận và gửi điện văn chúc mừng sự thống nhất ở Việt Nam. Và người ta uống chén rượu mừng để truy điệu Việt-Nam đi vào cõi chết, chúc mưnøg Việt-Nam có thêm 25 triệu nô lệ mới nhập tên. Hoà bình đã nở hoa trong cộng đồng thế giới, trong đời người Cộng Sản, nhưng hoà bình không thật đến ở Việt-Nam.
Người Cộng Sản chân chính có truyền thống là những người không hề biết hoà bình, không sống được trong hoà bình thật sự. Như con giun, con dế sợ ánh sáng mặt trời. Thế nên họ dẫn dắt toàn dân đi xây dựng văn minh thời thượng.

Khởi đầu là việc cày nát nghĩa trang Việt Nam Cộng Hoà và hạ tượng Người Lính Việt Nam Cộng Hoà. Người Lính rơi xuống vỡ tan trong lòng đường phố, nhưng từ đó anh mới thực sự đứng lên, đứng thẳng và oai hùng hơn trước trong trái tim của người dân Việt Miền Nam. Bởi từ khi những người bộ đội Cộng Sản bước chân vào thành phố, thì người dân Quốc Gia mới thật sự hiểu được giá trị của anh. Và những sự lầm lẫn và hối hận hôm nay hình như luôn theo nhau đi vào lịch sử. Vậy thì, khi ta chết trên con đường chạy loạn, khi ta chết ở bãi Tiên Sa, ta vùi thân nơi vùng kinh tế mới, hay ta chìm dưới đáy biển Đông, không phải vì khẩu súng rơi trên tay người lính, mà ta chết bởi viên đạn ích kỷ, viên đạn lãnh đạm và thờ ơ xuất phát từ trái tim bắn ngược lại chính ta. Bởi sự thật về người Cộng Sản đã đi quá tầm tưởng tượng và sự hy sinh của người lính vượt quá nỗi bi thương.

Hai mươi năm chiến tranh, hơn hai trăm ngàn người lính, hơn năm trăm ngàn thương binh đã để lại hai trăm ngàn sinh mạng và năm trăm ngàn những phần cơ thể để lại trên chiến trường khốc liệt. Để cho chúng ta có một bầu trời để thở, có một khoảng không gian đi đứng tự do, để cho tuổi thơ của chúng ta không phải đi lượm ve, lượm giấy, không phải đeo khăn quàng đỏ và ngợi ca những điều dối gạt chính mình. Để cho bàn tay thiếu nữ không chạm bùn nhơ thuỷ lợi, tuổi thanh xuân không phải vùi chôn ở những gốc mì. Để cho bà mẹ già không phải ngồi mơ ước miếng trầu xanh, và những giọt nước mắt thôi không cần tuôn chẩy.

Nhưng lịch sử đã sang trang, những trang hồng tươi màu máu cho người Cộng Sản và cũng là những trang đẫm máu và nhơ bẩn nhất cho cả lịch sử của dân tộc Việt-Nam.

Anh, người lính trong thời chiến thành người tù của thời bình. Người lính chịu số phận bi thương của chiến tranh và cũng chịu luôn số phận tàn nhẫn trong thời bình. Anh người lưu vong trong lòng dân tộc, và lưu đày ở chính quê hương anh. Bởi Cộng Sản Việt-Nam đã bắt đầu một cuộc chiến tranh mới và đẩy anh xuống đáy trầm luân. Cũng chính từ chiến trường Tù Ngục này mà Cộng Sản đã chứng minh được Chúng và Anh không là đồng loại. Chúng, là lũ Cộng Sản cuồng tín, và tàn bạo nhất giữa thế giới Cộng Sản và vô nhân. Chúng lập nên một vương quốc mới mang tên là Lừa Dối, và mở ra một kỷ nguyên giết người theo kiểu mới, giết người bằng những mỹ từ đẹp đẻ, bằng lao động vinh quang, bằng thời gian không thể đếm. Người lính bước vào trận chiến mới, chiến trường có tên là cải tạo, và anh người tù nhân không có án. Ở đây anh không có lãnh đạo, không có đồng đội, không có hậu phương. Kẻ thù vắt cùng, vắt kiệt sức lực anh trong rừng thẳm. Đày đọa sỉ nhục anh dưới hố xí tanh hôi, đem thanh xuân và tài hoa của anh vùi chôn ở những vòng khoai vớ vẩn. Đặt hy vọng của anh máng vào những mốc thời gian. Người lính đã trở thành vật thụ nạn thời bình. Anh chết đói bên những vòng xanh nở rộ do chính tay anh cày xới vun trồng. Anh chết khát khi bên ngoài mưa rơi tầm tã. Giữa những trùng vây sóng dữ, giữa bóng tối cô đơn Anh vượt qua sự chết để đem về nghĩa sống. Anh đi xiếc qua những ranh giới tử sinh để chứng minh được phẩm giá con người. Đôi mắt anh cao ngạo và chân đạp chữ đầu hàng. Từ trong tăm tối hận thù, anh thắp sáng lên ý nghĩa đời người. Anh đã chiến đấu, để từ trong cõi chết anh bước ra mà sống. Để anh trở về từ địa ngục trần gian. Bao đồng đội bất hạnh đã ngã xuống trong rừng thẳm, cuối cùng anh đã trở về:

Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng Đất Trời.
Cám ơn hoa đã vì ta nở,
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.
(Tô thuỳ Yên)

Nước mắt anh không rơi trong ngục tù Cộng Sản, nước mắt anh rơi khi anh được trả tự do. Anh bước về, anh đi giữa lòng quê hương. Anh ngỡ ngàng như thức từ cơn mộng. Có thật chăng đất nước Việt Nam, tàn hơn 30 năm chinh chiến và tù đày, đểã anh có được một đất nước thanh bình điêu tàn hơn thời chiến? Và tuổi trẻ, những mầm non đất nước hôm nay xa lạ như người không cùng chung dòng giống. Anh đi trên đường phố xưa, đường đã đổi tên. Anh tìm bạn bè cũ, dứa còn đứa mất. Quê hương này không có chỗ cho anh?

Hai mươi năm chiến chinh, mười mấy năm tù đày trên chính quê hương để rồi anh phải tha hương biệt xứ. Người lính, mười bốn năm lính, mười bốn năm tù, tài sẵn có, được trí trá vài đô la, và mái đầu sương điểm để anh bước vào đời lần nữa. Anh không có quyền bắt đầu, chỉ có quyền tiếp tục trôi theo dòng đời nghiệt ngã. Người lính cũ ngồi bán nước đá bào cho học trò giờ tan học ở chính quê hương. Hay anh, người lính lưu vong ngồi bán thuốc lá lẻ hằng đêm trong những tiệm Seven-Eleven trên đường phố Mỹ. Ba mươi năm vết thương cũ hầu như chưa lần khép kín. Ôi, hai mươi sáu chữ cái bắt đầu từ a, b, c, đ dẫu sắp xếp khéo léo tới đâu vẫn không đủ để viết nên những bi hùng anh đã đạt. Và cần phải thêm vào bao nhiêu chữ nữa mới diễn tả lên sự xót thương anh.

 
Chúng ta đã quá may mắn, quá vinh dự để trang sử Việt Nam có thêm những anh hùng như người lính Việt Nam Cộng Hoà, những anh hùng vô danh và sống đời thầm lặng, những anh hùng bình thường mà ta chưa có dịp vinh danh. Nhưng cho tới nay, ta đã làm gì để tri ân người lính Quốc Gia? Chúng ta những người dân Quốc Gia đi chung con thuyền Miền Nam do các anh chèo chống, đưa qua những con sóng dữ Việt-Nam. Những người quốc gia đã sang thuyền trong cơn quốc nạn, và đã để mặc anh chìm trong cơn Hồng Thuỷ của Việt-Nam. Chúng ta, những người quốc gia tầm gửi, đã sống nhờ trên máu xương người lính, và chưa lần đóng góp nào cho chính nghĩa quốc gia. Có phải giờ đây, chúng ta tiếc thương người lính bằng đầu môi chót lưỡi, bằng những video, nức nở kêu gào, hay chúng ta khóc cho người lính bằng những trang thơ vớ vẩn? Và có ai, có ai trong chúng ta cảm thấy thẹn khi ta đã đôi lần hãnh diện vì ta nói tiếng Anh trôi chẩy hơn họ, xe ta đẹp, nhà ta to .

Ngày nay, Người Cộng-Sản ở quê hương với đôi tay đẫm máu của thuở nào cũng nói lời phản tỉnh. Vậy còn ta, bao nhiêu người Quốc Gia sẽ thức tỉnh để vẽ chân dung kỳ vĩ và nhiệm màu của Người Lính chúng ta. Có ai trong chúng ta sẵn sàng chi tiêu những bữa tiệc đắt tiền trong những nhà hàng danh tiếng, mua những tấm vé vào cửa của đại nhạc hội lừng tên mà ta tiếc bỏ tiền ra để quyên góp, xây lại tượng Người Lính ở thủ đô đã ngã xuống hôm nào. Để một mai, khi quê hương không còn giống Cộng Sản, ta đem anh về trở lại quê hương. Để anh được đứng lên chính nơi anh ngã xuống như cùng thời với đất nước lúc hồi sinh.

Bao nhiêu chuyên gia nhóm họp nhan đề 'Xây dựng lại đất nước trong thời hậu Cộng Sản'. Vậy có ai đã đặt kế hoạch tri ân cho người lính? Bởi, một ngày nào mà ta chưa biết tri ân người lính và đặt họ ở một địa vị xứng đáng mà đáng lẽ họ phải ở từ lâu, thì làm sao ta có thể xây dựng được một xã hội đáng gọi là nhân bản.

Hãy vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hoà. Hãy giữ gìn và bảo vệ tinh thần Vị Quốc Vong Thân của họ như giữ gìn ngọn lửa thiêng trong lòng dân tộc, thì dân tộc ta mới mong có được những truyền nhân xứng đáng với thế hệ tương lai.

Nguyễn thị Thảo-An

Tuesday, September 10, 2013

Giới Thiệu Dự Án Tượng Đài Chiến Sĩ San Jose, California U.S.A.



Giới thiệu dự án Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH

 Mô hình ĐÀI TƯỞNG NIỆM NĂM VỊ TƯỚNG VNCH TUẪN TIẾT NGÀY 30/4/1975 & CÁC CHIẾN SĨ ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THÂN 

Chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30 tháng Tư năm 1975 đưa đến làn sóng  người Việt tránh hiểm họa cộng sản để tìm tự do lớn nhất trong lịch sử. Cộng sản Bắc Việt là kẻ chiến thắng không những đày đọa người lính miền Nam đã buông súng trong tức tưởi; họ còn nhẫn tâm tìm cách xóa bỏ nơi an nghỉ của các chiến sĩ QLVNCH đã hi sinh trong công cuộc bảo vệ quê hương miền Nam. Nghĩa trang quốc gia của VNCH tại Biên Hòa bị lãng quên trong khi hàng ngàn nghĩa trang bộ đội cộng sản khắp nơi được tôn nghiêm gìn giữ. Bức tượng THƯƠNGTIẾC, một hình ảnh biểu tượng thân quen của quân dân miền Nam đã bị cộng sản kéo sập cũng giống như số phận của hàng triệu người dân lương thiện.
Chiến tranh kết thúc, những cuộc giao tranh đọ súng ngang ngửa giữa hai đạo quân không còn; có còn chăng là những đòn thù tàn nhẫn của phe cộng sản thắng trận giáng lên thân phận tủi nhục của người lính miền Nam. Nơi đâu có trại giam tù binh miền Nam là nơi đó mọc lên những nấm mồ chôn vội không bia mộ của người tù khốn khổ đã gục ngã trước sự đối xử tàn nhẫn vô nhân của cộng sản. Đó cũng là những nghĩa trang vô danh, thi hài người lính tù mãi bị vùi lấp ở xó rừng trong quên lãng và hồn oan vất vưởng chốn thâm u.
Sống xa quê hương, cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại lớn mạnh không ngừng và thành công trong mọi lãnh vực, kiên trì và cương quyết đấu tranh  để bảo vệ cho lý tưởng quốc gia qua lá cờ Việt Nam Tự Do nền vàng ba sọc đỏ đối nghịch với cờ máu cộng sản. Hơn ba mươi năm qua, người Việt hải ngoại không bao giờ quên công ơn của người chiến sĩ VNCH. Với sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhiều tượng đài chiến sĩ đã được xây dựng tại các nơi có đông cư dân gốc Việt trên thế giới như tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ Wesminster California, tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ Houston Texas, tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ St. Cloud Minnesota, tượng đài chiến sĩ Úc Việt Sydney Úc châu. Tuy nhiên, trong bao năm qua, cộng đồng người Việt hải ngoại luôn ước nguyện có một đài tưởng niệm dành riêng cho chiến sĩ VNCH. Ước nguyện này đã hằng được ấp ủ trong tim của hàng trăm ngàn cựu quân nhân thuộc QLVNCH và ngay cả của người dân miền Nam chưa hề khoác áo lính. Một trong những người có tâm nguyện thiết tha đó là điêu khắc gia Phạm Thế Trung.

Sơ lược tiểu sử và các công trình của Phạm Thế Trung 
Phạm Thế Trung sinh năm 1955 tại Long An, tốt nghiệp Trường Quốc Gia Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Định năm 1979 về ngành điêu khắc. Anh vượt biển tìm tự do và định cư tại Toronto Canada kể từ năm 1980. Anh đã mang tác phẩm đi tham dự các cuộc triển lãm như Art Gallery of Ontario 1990, Roy Thomsons Hall Ontario 1990, được bảo trợ bởi Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc Canada 1990, Multicultural History Society of Ontario Gallery 1990, Royal Ontario Museum 1993, University of Toronto 1994, Sculptor Society of Canada, Toronto1997. Với những đóng góp và những thành đạt tại quê hương mới, ngày 6 tháng 3 năm 1997, ĐKG Phạm Thế Trung đã được bà Thị Trưởng Toronto Barbara Hall mời tham dự một buổi lễ long trọng nhằm vinh danh những cư dân tạo được những thành tích sáng chói. Trong dịp này, ĐKG đã được trao tặng giải thưởng Award of Merit, đó là một vinh dự cho cộng đồng người Việt cư ngụ tại Toronto.
Các tượng đã dựng nơi công cộng của ĐKG Phạm Thế Trung gồm có tượng đài "Mẹ Bồng Con Vượt Biên" bằng đồng, kích thước như người thật, dựng tại thủ đô Ottawa Canada năm 1995 (nhân kỷ niệm 20 năm người Việt tỵ nạn tại Canada), tượng bán thân cố Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, Washington DC. USA 1999, tượng bán thân nhà ngôn ngữ học Petrus Trương Vĩnh Ký nhân kỷ niệm ngày giỗ 100 năm. Anh thiết kế và thực hiện đồ án điêu khắc trên tường của chánh diện phòng khánh tiết của chiếc tàu lịch sử "Titanic" qua cuốn film nổi tiếng do Hollywood thực hiện theo kỹ thuật tiền chế và sau đó đã được triển lãm tại The Rio Museum, Las Vegas và CNE Toronto 1999- 2000. Hiện nay anh Phạm Thế Trung đang thực hiện những mô hình những nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và các danh nhân như Nguyễn Du, Nguyễn đình Chiểu, Mother Theresa, Đức Giáo Hoàng ...
Nhưng phải nói, hoài bão tâm huyết của điêu khắc gia Phạm Thế Trung chính là việc thực hiện cho bằng được đài tưởng niệm tử sĩ QLVNCH. Từ lâu, anh đã ấp ủ âm thầm ước nguyện. Ngày 30 tháng Tư hàng năm gợi lại cho anh bao nhiêu là kỷ niệm mất mát đau buồn. Thế rồi anh đã một mình làm việc suốt mấy năm cho dự án đài tưởng niệm này. Anh suy tư cân nhắc một số ý tưởng để rồi quyết định chọn lựa năm vị tướng tuẫn tiết để tạc tượng. Qua các lần chuyện vãn cùng người viết, Phạm Thế Trung tâm sự:
“Ở trong nước thì nhà cầm quyền cộng sản đối xử bất nhân phi đạo lý với cả những người lính VNCH tử trận đã vùi thây dưới lòng đất. Vong linh tử sĩ miền Nam không còn một nơi nào trang nghiêm xứng đáng để tưởng niệm. Thật là tủi hổ.
Nghĩa trang bị phá bỏ, hàng ngàn mộ phần và hài cốt an vị ở đó bây giờ cũng bị chôn vùi hoặc tan theo cát bụi, hương hồn vất vưởng không nơi nương tựa đang lãng đãng dật dờ trên khắp quê hương. Trong khi đó, hài cốt cán binh cộng sản được chôn cất trong những Nghĩa Trang Liệt Sĩ khang trang trên khắp mọi miền đất nước.”
Tuy chưa hề nhập ngũ vì lý do học vấn, anh Phạm Thế Trung luôn ý thức về sự hi sinh cao cả của người lính QLVNCH. Anh quan niệm rằng chúng ta, những người may mắn sống sót trong cuộc chiến và đang sống an bình tại hải ngoại có bổn phận tri ân chiến sĩ. Một mặt chúng ta giúp đỡ những chiến hữu Thương Phế Binh bất hạnh đang sống thiếu thốn tại quê nhà, mặt khác chúng ta cùng cần phải nghĩ đến sự tái yên vị linh hồn tử sĩ đang uất hận dật dờ không nơi nương tựa. Anh nói:
“Sau biến cố 30/4/75, ngày tang thương của đất nước, những di tích lịch sử của miền Nam VN đã bị chính quyền Cộng Sản VN phá huỷ, đồng thời những ngôi mộ và vong linh của những Chiến Sĩ quân đội VNCH bị chế độ Cộng Sản VN muốn xoá bỏ hoặc san bằng. Đây là môt sự cố tình để làm chìm quên đi quá khứ của lịch sử.”
“Suốt những năm dài sống nơi xứ lạ quê người không một ai trong chúng ta có thể quên được những công ơn của tất cả các Chiến Sĩ VNCH hoặc đã hy sinh nơi chiến trường, hoặc chết trong những trại tù của CSBV hay còn sống lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Đó là những Anh Hùng đã xả thân chiến đấu để bảo vệ quê hương. Với khả năng cá nhân, tôi muốn làm một cái gì đó để nêu lên tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ QLVNCH như một lời tạ ơn mãi mãi. Các thế hệ cha anh lần lượt qua đi, năm tháng của thế hệ tôi cũng gần sắp hết, tôi nghĩ phải làm thế nào để con cháu chúng ta sau nầy vẫn thấy được những vết tích hào hùng của một quân lực oanh liệt đã qua.”
“Hơn 36 năm tha hương, mỗi năm một vài lần tôi và bè bạn có tham dự những buổi lễ Vinh Danh và Tưởng Niệm các Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân được tổ chức rất cảm động với đông đảo người Việt hải ngoại tới để thắp một nén nhang, tưởng nhớ đến anh linh bất tử của tiền nhân. Vì mỗi năm nghi lễ được tổ chức ở một địa điểm tạm thời nên sau đó, di ảnh của những vị đã tuẫn tiết trong ngày 30-4-1975 lại được cất đi cho đến năm sau. Tôi thiển nghĩ rất cần thiết phải xây dựng một Monument cố định để thường trực tưởng nhớ đến năm vị tướng này và những vị Anh Hùng VNCH trong cuộc chiến VN thời cận đại. Đó sẽ như là một dấu tích lưu lại của một giai đoạn lịch sử mà người cộng sản muốn xóa bỏ. Đó sẽ là nơi để cho toàn thể người Việt tỵ nạn tại hải ngoại có thể đến thăm viếng và chiêm bái bất cứ ngày nào trong năm. Và đó là biểu tượng của tiếng nói bất khuất hào hùng và đầy khí tiết của QLVNCH vẫn còn vang vọng mãi mãi đến ngàn sau để thế hệ con cháu của chúng ta sẽ không quên tấm gương hy sinh ngời sáng của tiền nhân.”
Điêu khắc gia Phạm Thế Trung cho biết tượng thạch cao của năm vị tướng đã hoàn tất cùng với mô hình đài tưởng niệm gồm các bản vẽ và đồ án kiến trúc đầy đủ chi tiết kích thước. Anh nói:
“Phần chính của Đài Tưởng Niệm là 5 bức tượng chân dung đúc bằng đồng cao 4.5 feet, rộng 3.5 feet của năm vị tướng lãnh VNCH tuẫn tiết. Năm bức tượng chân dung này đặt trên bục cao 6 feet và được xếp theo hình cánh cung từ trái sang phải gồm các vị: Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Chuẩn Tướng Lê văn Hưng và Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ. Ở chính giữa ngay phía sau năm bức tượng là một tháp đài dưới hình thức một tấm bia lớn bắng đá cao 25 feet, trên đỉnh là huy hiệu của Quân lực VNCH cao 4 feet được chạm bằng đồng, dưới đó có dòng chữ khắc nổi TỔ QUỐC GHI ƠN. Nổi bật hơn hết là Quốc Kỳ nền vàng 3 sọc đỏ được cẩn bằng gạch Mosaic (để màu sắc được bền bỉ theo thời gian) theo hình thẳng đứng, hai bên là 2 trụ đá hình chóp nhọn 4 góc (obelisk) cao 12.5 feet tượng trưng cho lòng tưởng niệm và sự tôn kính. Ngoài ra còn có 3 bức tường đen (black walls) cao 8 feet, thân cột ở giữa có gắn đầy đủ phù hiệu của ba quân chủng Hải, Lục, Không Quân, đặt trên mỗi cột là lư hương. Những bức tường này bố cục theo hình vòng cung với đường kính  90 feet ôm lấy tượng đài chánh, dùng để khắc tên toàn thể Anh Hùng và Chiến Sĩ VNCH vị quốc vong thân. Sân gạch rộng phía trước Đài Tưởng Niệm có sức chứa được khoảng 5 ngàn người cho những dịp lễ lạc hoặc truy điệu.”
Sau khi đã hoàn tất 5 bức tượng bằng thạch cao và bản vẽ mô hình dự án Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH vào năm 2010, ĐKG Phạm Thế Trung đã mời một số thân hữu đến nơi làm việc của anh để giới thiệu và trình bày công trình khá đồ sộ này. Lần lượt những tin tức và hình ảnh 5 bức tượng được loan truyền rộng rãi trên các trang mạng và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các hội đoàn và cộng đồng khắp các châu lục.

 Đôi lời nhận xét về 5 bức tượng 
Những ai có dịp ngắm qua năm bức tượng điêu khắc bằng thạch cao nămvị tướng VNCH tuẩn tiết của ĐKG Phạm Thế Trung đều không khỏi cảm nhận tính chất sống động của năm khuôn mặt anh hùng đó. Thay vì những tiểu tiết chạm khắc tinh xảo tột cùng cân đối, người xem nhìn thấy ở đó nét xuất thần như đang đối diện với con người xương thịt tiềm tàng sức sống biểu lộ cả trạng thái nội tâm sinh động như thật. Người xem rờn rợn bắt gặp ánh mắt  u uẩn nhưng hiên ngang đầy khí phách của dũng tướng thà chết vinh hơn sống nhục.
Phạm Thế Trung không tái tạo sao chép hình tượng theo lối phản ảnh đường nét cơ thể đơn thuần thông thường; anh chú trọng nhiều hơn đến việc lột tả thần thái và cảm xúc cô đọng, sự dằn vặt ray rức trong tâm trí, sự cương nghị kiêu hùng qua điệu bộ, dáng vẻ nét mặt, qua tia nhìn cau mày đăm chiêu ngẫng mặt thách thức hay cúi nhìn trầm tư. Nội tâm và trạng thái tinh thần giằng co quyết liệt cấp bách của 5 vị tướng anh hùng hiển lộ bằng đường nét dứt khoát mạnh bạo chắc khoẻ đầy rung cảm. Tác giả Phạm Thế Trung đã nắm bắt và diễn đạt được toàn vẹn trạng thái cảm xúc của tâm tưởng trong khoảnh khắc theo trường phái ấn tượng mà điêu khắc gia Rodin đã khai phóng và tiêu biểu qua bức tượng Le Penseur.
Một người thưởng ngoạn 5 bức tượng nhận xét: “Rung cảm nghệ thuật của tác giả thể hiện khá sâu sắc qua tượng qua cách bố cục tạo khối. Diễn tả của anh toát lên một vẽ đẹp nghiêm minh tôn kính của tướng lãnh một thời uy dũng. Tôi thấy cả 5 tượng này đều thật hùng tráng, linh diệu và có hồn. Chừng nào 5 tượng này được đúc đồng và an vị nơi Đài Tưởng Niệm chắc sẽ còn đẹp nhiều hơn nữa.”

 Diễn tiến thực hiện đài tưởng niệm 
Theo tin tức của Ban Vận Động tại Bắc Cali cho biết, hiện tại Hội Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (VBQGVN) Úc Châu và VBQGVN Bắc Cali đồng ý đưa đề nghị khởi xướng cho dự án. Khi đề nghị được chấp thuận, Tổng Hội VBQGVN Hải Ngoại chính thức nhận lãnh trách nhiệm thực hiện việc xây dựng công trình Đài Tưởng Niệm. Tổng Hội sẽ thắp lên ngọn đuốc thiêng cho rực sáng mở màn cuộc vận động sự tham gia và hỗ trợ của các hội đoàn quốc gia và những vị mạnh thường quân và gây quỹ. Qua nhiều buổi họp, một ủy ban vận động đã được thành lập để xúc tiến dự án này. Ủy ban đi đến quyết định chọn địa điểm Bắc Cali vì những ưu thế như sau:
1.     Đông đảo người Việt tỵ nạn cư ngụ. Tính đến năm 2010, số cư dân người Mỹ gốc Việt ở San Jose lên đến hàng trăm ngàn với số lượng đông hơn ở vùng Nam Cali gồm các thành phố Garden Grove, Westminster, Sata Ana, Anaheim, Los Angeles.
2.     Vùng Bắc Cali gồm San Jose (có Little Saigon), San Francisco và Sacramento (thủ phủ California) hiện nay chưa có một Monument nào để làm biểu tượng cho nhu cầu văn hoá, chính trị và lịch sử cho miền nam Việt Nam tại đây. Địa điểm lựa chọn ưu tiên sẽ nằm về phía Nam ngoại ô San Jose cho tiện việc đi lại từ các thành phố miền Nam Cali và các thành phố phụ cận.
3. Trên khắp các tiểu bang Hoa kỳ chưa có nơi nào xây dựng Đài Tưởng Niệm cho những chiến sĩ anh hùng VNCH đã nằm xuống và ghi khắc công ơn cùng những chiến tích hào hùng của họ. Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ với tượng ngũ tướng tuẫn tiết sẽ là nơi tụ hội linh thiêng của những người cựu chiến sĩ VNCH. Người còn sống đến đây để tưởng nhớ đến đồng đội đã gởi thân xác lại trên những chiến trường xưa hay cùng ôn lại kỷ niệm ngày cũ.
4. Sẽ là nơi thu hút du lịch đông đảo và du khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến để chiêm ngưỡng và lễ bái. Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH sẽ trở thành như một đền thiêng vĩnh cữu để những thế hệ kế tiếp đến thăm viếng và thấy tận mắt tượng của năm vị anh hùng oai linh của một trang sử Việt. Năm vị tướng xứng đáng đại diện cho toàn thể quân dân miền Nam đã góp phần vào công cuộc bảo vệ nền Tự Do cho một đất nước mang tên Việt Nam Cộng Hòa trong hai mươi năm chiến đấu với một kẻ thù xâm lăng hung hãn.
5. Nói lên sự phát triển và đoàn kết trong nhiều lĩnh vực tại miền Bắc California nói riêng và toàn cõi Hoa Kỳ nói chung. Trước công trình mang ý nghĩa chính đáng cao cả này, các hội đoàn đồng lòng họp sức bắt tay nhau thực hiện vì đó là niềm hãnh diện chung của cộng đồng.

 ĐKG Phạm Thế Trung tin tưởng dự án Đài Tưởng Niệm đang diễn tiến tốt đẹp.
Trong một tương lai rất gần, Ủy Ban Vận Động Dự Án Đài Tưởng Niệm sẽ công bố địa điểm chính thức, sau đó sẽ mở chiến dịch gây quỹ cũng như tiến hành việc xây dựng. Đây là một công trình lớn lao nhưng chắc chắn sẽ thành hiện thực và sẽ là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt hải ngoại.

 Sơ lược về kỷ thuật đúc tượng điêu khắc đồng Qua sự giải thích của ĐKG Phạm Thế Trung và sự tra cứu tài liệu từ bách khoa tự điển mở, người viết xin trình bày sơ về kỷ thuật đúc tượng đồng như sau. Đồng là kim loại phổ biến nhất cho các tác phẩm điêu khắc kim loại đúc. Tác phẩm điêu khắc đúc đồng thường được gọi đơn giản là một tượng đồng. Hợp kim đồng thường thường có tính năng thuận lợi là nó giản nở một chút ngay trước khi nó ngưng đọng và cứng lại, do đó các chi tiết hốc kẹt nhỏ nhất của khuôn cũng được nó len lỏi phủ lấp trọn vẹn. Sau đó, khi đồng nguội đi, nó co lại một chút, làm cho cả pho tượng tách ra khỏi khuôn một cách dễ dàng. Độ bền bĩ và độ dẻo của họ (không giòn) là một lợi thế khi nhà điêu khắc tạo các hình tượng có động tác tỉ mỉ, đặc biệt khi so sánh với các loại gốm hoặc các vật liệu đá (chẳng hạn như tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch).  Hợp kim bằng đồng dùng tạc tượng hiện đại gồm 90% đồng và 10% thiếc. Tỷ lệ này thay đổi chút ít đối với các tượng đồng đã được thực hiện trong quá khứ.
Tượng đồng được ưa chuộng và phổ thông ở Bắc Mỹ vì những lợi điểm là:
a) Không bị mưa acid làm hư hại hao mòn như tượng đá
 b) Bền bỉ trường cửu theo thời gian trừ trường hợp hỏa hoạn hoặc sự cố tình phá hủy
 c) Việc thực hiện không bị giới hạn nhờ kỷ thuật khoa học tân tiến áp dụng cho ngành kiến trúc

 Công việc thực hiện tượng đồng đòi hỏi tài khéo léo và tay nghề kỷ thuật cao. Phương thức xử dụng được ưa chuộng hiện nay là dùng sáp để đổ khuôn. Ngoài ra còn cách dùng cát, đúc ly tâm và điện giải.
Với phương pháp dùng sáp, từ tượng mẫu đất sét ban đầu, nhà điêu khắc làm một khuôn bản gốc bằng thạch cao như là một phương cách bảo đảm cho tác phẩm sáng tạo nghệ thuật của mình khỏi mất hoặc hư hại cho đến khi tìm được nguồn tài trợ cho việc đúc đồng. Khuôn thạch cao được gởi đến cơ sở đúc tượng đồng. Với tượng rỗng ruột, cơ sở đúc tượng đồng sẽ làm một cái lõi ở giữa, sáp sẽ được đổ vào khuôn để làm thành một tượng sáp. Từ tượng sáp, người ta lại làm một vỏ bọc, xong sẽ bỏ vào lò nung cho sáp chảy ra hết và sẽ đổ chất đồng lỏng thay vào khoảng trống đó.
Đối với tượng có kích thước lớn, điêu khắc gia có thể tạo mẫu theo tỉ lệ nhỏ trước cho đến khi hài lòng với từng chi tiết của bức tượng, từ đó có thể dùng nhu liệu điện toán tạo mẫu theo kích thước thật và chia ra nhiều phần cho tiện việc đúc đồng, sau đó sẽ dùng kỷ thuật hàn tân tiến ghép các mảnh lại với nhau.
 Phan Hạnh.

Tường Đá Đen Tưỡng Niệm Anh Linh Tữ Sĩ Nha Kỹ Thuật









Tử Sĩ Phi Đoàn 219
1 PHAN THẾ LONG Tr/u 1965 Khâm Đức
2 NGUYỄN BẢO TÙNG Th/u 1965 Khâm Đức
3 BÙI VĂN LÀNH Th/s 1965 Khâm Đức
4 NGUYỄN VĂN MÀNH Th/u 1966
5 NGUYỄN HỮU KHÔI Tr/u 1966
 
6 NGUYỄN VĂN HAI Th/s 1966
7 ĐINH HỮU HIỆP Đ/u Ashau
8 LÊ HỒNG LĨNH Tr/u Ashau
 
9 NGUYỄN MINH CHÂU Th/s Ashau
10 NGUYỄN PHI HÙNG
Đ/u
11 NGUYỄN PHI HỔ Tr/u
 
12 BÙI QÚY THOAN Th/s
13 TRẦN VĂN THÁI Th/s,
14 CSVD,15 CSVD
16 NGUYỄN VĂN MINH Tr/u 30/11/1968 gần đường mòn 922 Hạ lào
17 HƯỚNG VĂN NĂM TH/U 30/11/1968 gần đường mòn 922 Hạ lào
18 NGUYỄN VĂN THÂN Tr/s 1 30/11/1968 gần đường mòn 922 Hạ lào
19 NGUYỂN DU Tr/u tháng 3/1969 gan Leghorse
20 TÔN THẤT SINH Tr/u 4/4/1969 Ngã ba biên giới
21 VŨ TÙNG Th/u 4/4/1969 Ngã ba biên giới
22 NGUYỄN VĂN PHƯƠNG Tr/s 4/4/1969 Ngã ba biên giới
23 THÁI Th/u Tháng 5/1969 Núi Bạch Mã
24 TOẢN Tr/s 1 Tháng 5/1969 Núi Bạch Mã
25 HÀ KHẮC VỮNG Tr/s 1/6/1969 Quảng Ngãi
26 THÁI ANH KIỆT Th/u 10/6/1969 Ngã ba biên giới
27 NGÔ VIẾT VƯỢNG Đ/u 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữaDuc Co va Kontum
28 LÊ VĂN SANG Tr/u 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữa Duc Co va Kontum
29 PHẠM VĂN TRUẬT Tr/s 1 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữa Duc Co va Kontum
30 ĐẶNG HỮU CUNG Đ/u 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữaDuc Co va Kontum
31 ĐẠT Th/u 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữaDuc Co va Kontum
32 NGUYỄN HẢI LỘC Th/u 24/09/1970 Bù Dớp
33 NGUYỄN THANH GIANG Tr/u 1971 trận Ha Lào Lam sơn 719 Dồi 31
34 NGUYỄN VAN EM Tr/s 1971 trận Ha Lào Dồi 31
35 VŨ ĐỨC THẮNG Đ/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành
36 NGUYỄN NGỌC AN Th/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành
37 NGUYỄN VAN MAI Th/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành
38 TRẦN VĂN LONG Đ/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành
39 NGÔ VĂN THÀNH Th/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành
40 TRẦN VĂN LIÊN Tr/s 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành
41 HÀ TÔN Đ/u Tháng 3/1972 Gần Non Nước Đa nẵng
42 HUỲNH TẤN PHƯỚC Tr/u Tháng6/1972 Quế sơn
43 PHAM VAN HƯỚNG Tr/s Tháng6/1972 Hướng Tây cây số 17 HUẾ
44 NGUYỄN THÀNH PHƯỚC Th/u 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài
45 TRẦN VĂN ĐỨC Tr/s 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài
46 HOÀ H/s 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài
47 NGUYỄN VĂN HIỆP Tr/u 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài
48 TRẦN VĂN ĐỨC Th/u 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài
49 LỘC Tr/s 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài
50 ĐỨC H/s 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài
51 MAI THANH XUÂN Tr/s Tháng 8/1973 Băng Đông-BMT
52 LE VAN BỔN H/s Tháng 8/1973 Băng Đông-BMT
53 QUÁCH NGỌC THAO Th/u 11/3/1975 Phi Trường L.19 - Ban Me Thuật
54 NGUYỄN VĂN BE Th/u 11/3/1975 Phi Trường L.19 - Ban Me Thuật
55 ĐẶNG QUÂN Th/u 11/3/1975 Phi Trường L.19 - Ban Me Thuật
56 LÊ THẾ HÙNG Đ/u 13/3/1975 Phi Trường Phụng Dực B.50 BMT
57 DƯƠNG ĐỨC HẠNH Th/u 13/3/1975 Phi Trường Phụng Dực B.50 BMT
58 TRẦN MẠNH NGHIÊM Th/s 13/3/1975 Phi Trường Phụng Dực B.50 BMT
59 NGUYỄN VĂN ÂN H/s 13/3/1975 Phi Trường Phụng Dực B.50 BMT


Tử Sĩ Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH
● Trung Sĩ Nguyễn Như An
● Vũ Tiến An
● Nguyễn Văn Ẩn
● Bùi Văn Ẩn
● Phúc An
● Phạm Ngọc Anh
● Trịnh Ngọc Anh
● Trịnh Quốc Anh
● Lê Tuấn Anh
● Dương Anh
● Lê Anh
● Hồ Văn Anh Đ75

● Nguyễn Hồng Anh Đ75
● Nguyễn Hoành Anh Đ75

● Dương Ngọc Ánh
● Phạm Ba Đ75
● Biệt Kích Phạm Văn Bá
● Đinh Công Bá
● Nguyễn Văn Bắc
● Đại Uý Nguyễn Văn Bạch
● Nguyễn Văn Ban
● Mang Banh
● Nguyễn Đình Báo
● Chu Chi Bảo
● Nguyễn Văn Bảy
● Huỳnh Văn Bé
● Mang Bí
● Đinh Công Bích
● Mang Bích Đ75

● Th/Tá Văn Thạch Bích Đ75
● Đaị Uý Võ Bình
● Nguyễn Văn Bình
● Nguyễn Bình
● T/S1 Nguyễn Đình Bùi Đ75

● Bùi Văn Cẩm
● Nhét Lo Cẩn
● T/s Hoàng Văn Cảnh Đ75

● Dừng Văn Cang
● Lò Đức Cầu
● Lò Viết Cầu
● Thạch Caven
● Chương Nàm Cháng
● Mang Chao Đ75
● Chuẩn Uý Lưu Thanh Châu
● Đinh Công Châu
● Đinh Công Châu
● Nguyễn Minh Châu
● Đinh Thế Châu
● Đinh Văn Châu
● Hoàng Văn Chiến Đ75
● Ngô Văn Chiến Phi
● Thiếu Úy Phan Văn Chiêu
● Nguyễn Văn Chinh
● Hoàng Ngọc Chính
● Mang Chơn Đ75
● Đinh Văn Chúc
● Dương Chức
● La Văn Chung
● Triệu Chung
● Nguyễn Chuyên
● T/S Vòng A Cô Đ75
● Bùi Văn Cỏi
● Huỳnh Con
● Hứa Viết Coc
● Trần Văn Củ
● Đại Uý Nguyễn Công Cử
● Lu A Cui
● Trung Sĩ Cường
● Trung Uý Nguyễn Văn Cường
● Nguyễn Hùng Cường
● Nguyễn Văn Cường
● Trung Uý Cường (CôVi) Đ75
● Trung Tá Đào Đăng Đai
● Bế Ích Đạm
● Trần Như Đán
● Vân Đàn
● Nguyễn K Dang
● Vi Văn Đăng
● Nguyễn Văn Danh
● Nguyễn Văn Dao
● Đỗ Đăng Dậu
● Nguyễn Văn Dậu
● Hoàng Văn Đậu
● Không Văn Đậu
● Phạm Văn Đấu Đ75

● Tống Văn Dền
● Nguyễn Văn Diện Đ75

● Bùi Văn Điện
● Đại úy Phùng Điều Đ75
● Lò Văn Dinh
● Nông Công Định
● Nguyễn Khắc Định
● Tống Văn Dôi
● Quách Dỏm
● Cao Văn Dọn
● Lò Văn Dọn
● Nguyễn Đông
● Tr/Sỉ Nguyễn Văn Du Đ75
● Nguyễn Văn Dua
● Trung Uý Nguyễn Dứa
● Phạm Đình Dương Đ75

● Đại Úy Trương Hữu Dương Đ75
● Trương Đình Đức
● Buì Văn Đức
● Nguyễn Văn Đức
● Trung Sĩ Dũng
● Huỳnh Tấn Dũng Đ75
● Lê Văn Dũng
● Nguyễn Văn Dũng
● Phạm Văn Dũng
● Phạm Công Dụng
● Nguyễn Đức Dụng Đ75

● Biệt Hải Nguyễn Duyên
● Bế Viết Giang
● Nguyễn Văn Giáo
● Lò Văn Giát
● Trung Sĩ Vương Đình Ha
● Phan Ha
● Nguyễn Xuân Hạ
● Thiếu Tá Nguyễn Văn Haỉ
● Thiếu Uý Haỉ
● Khắc Haỉ
● Lê Văn Haỉ
● Mang Hanh Đ75

● Lương Hằng
● Nguyễn Đức Hậu
● Mang Hiên Đ75

● Tr/Sỉ Trần Văn Hiền Đ75 mất tích năm 1974
● Nguyễn Thế Hiền
● Hứa Viết Hiền
● Lò Văn Hiền
● Đaị Uý Lâm Hưu Hiệp
● Nguyễn Thành Hiệp T753 Đ75

● Lâm Thư Hiệp
Thiếu úy Trần văn Hiệp ( CD3 ) Phi trường Phụng Dực BMT 1969 .
● Nguyễn Văn Hiệp
● Quách Đình Hiếu
● Vũ Ngọc Hinh
● Vũ Hinh
● Đaị Tá Trần Văn Hổ
● Vũ Phi Hổ T754 Đ75 Tử Hình năm 1976 Bình Thới

● Nguyễn Văn Hóa
● Đaị Uý Vạn Xuân Hòa
● Trung Sĩ Nguyễn Văn Hòa
● Lâm Xuân Hòa
● Phạm Thanh Hoài
● Trần Văn Hoài
● Thiếu Uý Nguyễn Văn Hoành Đ75
● Cao Văn Hồi
● Thượng Sỉ Hoàng Văn Hồng
● Hà Trung Huấn
● Nguyễn Văn Huấn
● Thiếu Úy Huỳnh Huế
● Đào Huệ
● Trung Sĩ Hùng
● Trung Uý Nguyễn Mạnh Hùng
● Vũ Bão Hùng
● Đinh Thế Hùng
● Ngô Văn Hùng
● Nguyễn Văn Hùng
● Phạm Hùng
● Chuẩn Uý Vũ Trần Bảo Hưng
● Nguyễn Hưng
● Nguyễn Văn Hương
● Lê Hương
● Quách Đình Huyền
● Nguyển Văn Huỳnh T754 Đ75

● Diệu Chính Ích
● Nguyễn Thanh Joan
● Hoàng Đình Khả
● Đỗ Văn Khaỉ
● Nguyễn Văn Khaỉ
● Đaị Uý Hoàng Công Khâm
● Hứa Viết Khim
● Đinh Như Khoa
● Th/Úy Phạm Trong Khôi Đ75 mất tích 1974
● Nguyễn Văn Khứ
● Trung Uý Nguyễn Văn Khuê
● T/Sỉ Trần Văn Khương Đ75
● Lưu Khương
● T/Sỉ Mai Khương Đ75 mất tích năm 1973

● Nguyễn Văn Kiễm
● Mai Kiễm
● Bưu Kiễm
● Trung Sĩ Lê Văn Kim
● Thân Văn Kính
● Lê Văn Kình
● Thạch Krering T751 Đ75

● Buì Văn Ký
● Buì Đức Lạc
● Trung Sĩ Trần Văn Lai
● Nguyễn Thành Lai
● Nguyễn Văn Lâm
● Buì Văn Lành
● Nguyễn Đình Lãnh
● Phạm Lâu
● Tr/Úy Liêm LTT Đ75

● Ngô Liên
● Nguyễn Văn Liêng
● Dương Văn Liễu
● Đaị Tá Ngô Thế Linh
● Dương Văn Linh
● Nguyễn Văn Linh
● Hà Thương Lỉnh
● La Văn Loan
● Nguyễn Văn Lộc
● Lâm Lợi
● Nguyễn Đình Lợi
● T/s 1 Nguyễn Văn Long
● Huỳnh Nam Long
● Nguyễn Long Đ75
● Nguyễn Văn Long ● Long (Lé)
● Thiếu Tá Tôn Thất Luân
● Th/Sĩ Trịnh Minh Lung
● Trung Sĩ Lương
● Thiếu Tá Hoàng Khắc Lưu
● Trung Tá Ngô Đình Lưu
● Nguyễn Đình Lưu
● Phan Văn Lượm T759 Đ75

● Đèo Văn Luyện
● Luyện (Casô)
● Nguyễn Văn Lý
● Trung Sĩ Tăng Dù Lỹ
● Tr/Sỉ Lê Văn Mai Đ75
● Nguyễn Đình Mai mất tích tháng 12/1974

● Đaị Uý Trần Xuân Mẫn
● Trần Văn Minh
● Bành Viết Minh
● Nguyễn Minh
● Minh (Lai)
● Đinh Quí Muì
● Nguyễn Muì
● Mang Mu Đ75

● Chuẩn Uý Nguyễn Văn Mỹ Đ75
● Huỳnh Tân Na
● Chuẩn Uý Nguyễn Văn Nam
● Trung Sĩ Hồ Xuân Hoang Nam
● Đặng Nam
● Trần Nam
● Vũ Văn Năm
● Trung Sĩ Nguyễn Văn Ngà
● Đỗ Ngạc
● Mai Văn Ngàn
● Nguyễn Kim Ngân
● Mang Ngay
● Vũ Đình Nghị
● Trung Uý Nguyễn Văn Nghiêm
● Đại Úy Đặng Tấn Nghiệm
● Chuẩn Uý Nguyễn Văn Ngọc
● Phạm Văn Ngơị
● Tr/Sỉ Liên Ngộ Đ75 mất tích khu tam biên 1973

● Trương Bá Ngữ
● Nguyễn Văn Nguyện
● Nguyễn Trương Nhã T756 Đ75
● Thiếu Tá Hồ Đăng Nhật
● Nguyễn Văn Nho
● B1 Mang Nhơn Đ75
● Nguyễn Văn Nhung
● Trung Sĩ Vi Văn Nô
● Buì Văn Nôi
● Thiếu Tá Nòng A Pang
● Sền Sản Pắng
● Th/Sĩ Đèo Văn Peng
● Trung Tá Nguyễn Đức Phó
● Lương Văn Phổ
● Nguyễn Văn Phôi
● Huỳnh Thanh Phong
● Binh Nhất Trần Phỏng
● Lưu Chí Phú
● Nguyễn Văn Phú
● Nguyễn Văn Phú
● Nông Văn Phú
● Si Phù
● Phạm Viết Phục
● Lò Văn Phúng
● Trung Sĩ Phước
● Lương Văn Phượng
● Đaị Uý Nguyễn Văn Quang
● Thiếu Úy Nguyễn Văn Quang Đ75

● Trung Sĩ Nguyễn Văn Quang
● Trần Quốc Quang
● Huỳnh Văn Quang
● Nguyễn Văn Quang
● Quang (Đen)
● Trần Văn Quí
● B1 Trần Aí Quốc Đ75
● Nguyễn Quang Quới
● Nguyễn Văn Quy
● Nguyễn Văn Quý
● Nguyễn Văn Quyết
● Quách Rả
● T/S I Nguyễn Văn Rất
● Buì Văn Ri
● Trung Tá Nguyễn Hương Rĩnh
● Lò Văn Ron
● Quách Rọn
● Hoàng Văn Sạch
● C/U Lý Phương Sáng T725 mất tích An Lão 1974

● C/U Nguyễn Văn Sang Đ75
● Buì Văn Sất
● Liêu A Saú
● Nguyễn Sĩ
● T/S I Nguyễn Đức Sinh
● Phạm Ngọc Sinh
● Vương Đình Sính
● Lương Văn So
● Lâm So
● Hoàng Văn Sõi
● Biệt Kích Nguyễn Văn Sơn
● C/U Lê Đình Sơn Đ75
● Nguyễn Đình Sơn
● Lê Ngọc Sơn T759 Đ75
● Lê Đình Sơn Đ75

● Nòng Văn Song
● Trung Sĩ Mai Tấn Sử DCT72
● Đinh Công Sửa
● Sooc Sum
● Mang Suoi
● Đinh Công Sưủ
● Trung Sĩ Trần Quang Tài
● Trung Sĩ Lê Văn Tải
● Hà Đăng Tâm
● Thiếu Úy Lê Văn Tâm
● Trương Đình Tâm
● Nguyễn Văn Tâm
● Chuẩn Uý Hoàng Ngọc Tang
● Trung Sĩ Tạ Tánh
● Đèo Văn Tập
● Nguyễn Văn Tập
● Diệu Chính Thạch
● Nguyễn Thạch
● Lò Khấm Thaí
● Lò Phạm Thái
● Hoàng Văn Thái
● Lê Văn Thân
● Trần Văn Thân
● Nguyễn Quốc Thắng
● Nguyễn Văn Thắng
● Thượng Sĩ Nguyễn Thanh
● Trung Sĩ Phạm Thanh
● Nguyễn Châu Thanh
● Đinh Công Thanh
● Vũ Hiến Thanh
● Nguyễn Văn Thanh
● Nguyễn Văn Thanh
● Đinh Công Thành
● Nguyễn Công Thành
● Nguyễn Hữu Thành
● Thượng Sỉ Trần Trung Thành
● Đoàn Viết Thạnh
● Phạm Thạnh
● Thanh (Đại Úy)
● Nguyễn Hữu Thao
● Nguyễn Văn Thế
● Mai Văn Thể
● Tống Văn Thể
● Nguyễn Văn Thi
● Nguyễn Trương Thộ
● Nguyễn Văn Thoaị
● Tống Văn Thôm
● Biệt Kích Trịnh Văn Thôn
● Phạm Cưu Thông
● Phan phúc Thời T757 TT

● Nguyễn Văn Thụ
● Nguyễn Văn Thứ
● Quách Thúc
● Nguyễn Văn Thức
● Hà Văn Thương
● Lương Trộng Thưởng
● Hà Trộng Thưởng
● Tạ Văn Thưởng
● Trung Sĩ Lê Hồng Thuỷ
● Trung Sĩ Đào Hồng Thuỷ
● Trần Văn Thuỷ
● Nguyễn Văn Tiệm
● Đaị Tá Nguyễn Minh Tiên
● Biệt Kích Triệu Tiến
● Lò Văn Tiến
● Đaị Tá Hồ Tiêu
● Nguyễn Văn Toán
● Trần Quang Toản
● Lương Văn Tôm
● Biệt Kích Quách Tỏm
● Đà Văn Tôn
● Nguyễn Hữu Trang
● Tr/Tá Trần Đắc Trân

● Trương Nam Tráng
● Lưu Quang Trí
● Thiếu Tá Bác Sĩ Bữu Trí

● Thiếu Tá Lê Quang Triệu
● Đặng Công Trình
● Nguyễn Văn Trình
● Chuẩn Uý Phạm Đình Trung
● Thiếu Uý Lê Văn Trung
● Trần Văn Trung
● Lê Tư
● Nguyễn Văn Tú
● Trung Sĩ Tủ
● Đỗ Văn Tư
● Hạ Si Nguyễn Văn Tứ
● Nguyễn Tua
● Trung Tá Trần Bá Tuân
● Trần Mai Tuân
● Biệt Kích Mai Văn Tuấn
● Thiếu Tá Hồ Châu Tuấn
● Mai Văn Tuấn
● Nguyễn Văn Tuấn
● Hà Văn Tun
● Đaị Tá Lê Quang Tung
● Đaị Uý Tôn Thất Tùng
● Vòng A Tưng
● Lê Văn Tụng
● Nguyễn Tươi
● Lê Tuy
● Đaị Uý Đào Hữu Tuyền
● Nguyễn Văn Tuyến
● Bùi Văn Út
● Ch/Úy Trần Văn Út 1970 Ngủ Hành Sơn

● Phan Nhật Văn
● Trung Tá Nguyễn Thanh Văn
● Tr/úy Bác Sỹ Vận ( CD3)

● Nguyễn Văn Vậy
● Thượng Sỉ Nhất Phạm Đình Vinh BH/TTHLYT

● Trung Tá Nguyễn Văn Vinh
● Trung Uý Nguyễn Văn Vinh
● Nguyễn Văn Vinh
● Đỗ Văn Vong
● Đại Úy Nguyễn Cao Vỹ
● Nguyễn Văn Vụ
● Chuẩn Uý Nguyễn Trọng Vui ĐCT72
● Nguyễn Văn Vui
● Chuẩn Uý Nguyễn Văn Vương
● Vương Đình Vựơng
● Nguyễn Văn Vượng
● Đào Xuân
● Đặng Hùng Xung
● Đào Xung
● Văn Tú Xưng
● Lê Văn Xuyên
● Hoàng Văn Y
● Nguyễn Văn Yo
●Th/ úy Nguyễn văn Hoà 81BCD
● Tr/úy Trần văn Giám
●Th/úy Nguyễn Hưng Quốc



Tử Sĩ Đoàn Công Tác 75 Nha Kỹ Thuật

Hồ Văn Anh  T753 /1974,
Trung Sĩ Nguyễn Hoàng Anh Đoàn 75 Mất Tich 1974
Trung Sĩ Phạm van  Ba Đoàn 75
Thiếu Tá Văn Thạch Bich
Trung Sĩ Hoàng Văn Chiến Đoàn 75 Mất Tich 1972
Binh nhất Mang Chơn Đoàn 75
Phạm văn Đấu T752
Nguyễn văn Diện T759 mat thang 9/1973 tai Phu-Bài
Đaị Uý Phùng Điều
Trung Sĩ Nguyễn Văn Dữ  Đoàn 75 Mat Tich nam 1974 
Trung sĩ Huỳnh Tấn Dũng Toán 757 mất tích 1973
Phạm Đình Dương 1989
Đ/Úy Trương -Hữu Dương (LLT Liên toán3)
Mang Hanh ,
Trung Sĩ Trần Văn Hiền Đoàn 75 Mat Tich 1974
Nguyễn Thành Hiệp truyen tin T753,
Vu Phi Hổ ( bi tử - hình 1976 toan 754)
Thiếu Uý  Nguyễn Trọng Khôi Đoàn 75 Mat Tich 1974
Trung Sĩ Mai Khương Đoàn 75 Mat Tich 1973
Trung Sĩ Trần Văn Khương Đoàn 75
Thach khering 751 ,
Tr/ u Liêm  - Toan Truong (trong thoi - gian t/t Van Thach Bich là CHT/DCT.75)
Trung Sĩ Liên Ngộ Đoàn 75 Mat Tich Bien Gioi Viet-Mien-Lao 1972
 Hạ  Sỉ Phan Van Lượm 759 ,
Trung Tá Ngô Đình Lưu Đoàn 75
Trung Sĩ Lê Văn Mai Đoàn 75
Trung sĩ Nguyen Dinh Mai 12 / 1974 ,
Chuẩn Uý Nguyễn Văn Mỹ Đoàn 75 Hy Sinh tai Pleiku Vietnam
Trung sĩ Phan -Phuc -Thời  Truyen tin T757
Thiếu Uý Nguyễn Văn Quang Đoàn 75
Chuẩn Úy Lý Phương Sáng Toán Phó Toan 725 mất tích chung với Th/úy Thân
Chuẩn Uý Nguyễn Văn Sang Đoàn 75
Chuẩn Uý Lê Đình Sơn Đoàn 75
Trung Sỉ Le Ngoc Son truyen tin T759
Thiếu Uý Nguyễn Ngọc Sơn Đoàn 75 Mat Tich nam 1973
Ha sĩ Nhất Nguyen v Sơn (sơn-già) T759 , 
Thiếu Uý Trương văn Tám  Đoàn 75 Mat Tich nam 1974
Trung Sĩ Trương Đình Tâm Đoàn 75
Trung sỉ Nhất Le văn Tánh (Thu-Duc) ,
Trung sỉ  Nguyễn Ngọc Tánh (TT 757)
Thiếu Uý Nguyễn Ngọc Thạch Đoàn 75
Thiếu Uý Trần Văn Thân Đoàn 75 Mat Tich nam 1974 tai Binh Dinh
Trung sĩ Hoàng van Thanh T755 / 1973
Trung Sĩ Nguyễn Văn Thành Đoàn 75
Trung Sĩ Phạm Thanh Đoàn 75 Mat Tai Thanh Pho New Orleans Louisiana 
Trung Sĩ Trần Văn Thuỷ Đoàn 75 Mat Tich nam 1972
Binh Nhất Mang Xay  mất tích 1973
Trung sĩ Nguyễn  Hồng Anh Đoàn 75 Mat Tich nam 1974 
Trung Sĩ Phạm Ba Đoàn 75
Trung Sĩ Hoàng Văn Chiến Đoàn 75 Mat Tich nam 1972   
Trung sĩ Nguyen Đức Dũng (Truyen-tin T751)
Trung sĩ Pham Dinh Dưỡng 1989 
Trung sĩ Nguyen Van Huỳnh truyen-tin 754 quê Càn - Thơ
Trung Sĩ Liên Ngộ Đoàn 75 mất tích tam biên Việt Miên Lào
Trung Sĩ Nguyễn Long Toan 751
Hạ Sĩ Phan van Luợm 759
Thiếu Uý Nguyễn Ngọc Sơn Đoàn 75 Mat Tich nam 1973 
Thiếu Uý Nguyễn Văn Tám Đoàn 75 Mat Tich nam 1974
Trung Sĩ Trương Đình Tâm Đoàn 75
Trung sĩ Nguyen Ngoc Tanh (TT 757)
Thiếu Uý Nguyễn Ngọc Thạch Đoàn 75 
Trung sĩ Hoàng van Thành T755 / 1973   
Trung Sĩ Trần Văn Thuỷ Đoàn 75 Mat Tich nam 1972 
Trung sĩ Nguyễn Văn Tuôi Quân - 
Chuẩn Úy Lê Quang Trung mất tích năm 1973
Trung Sĩ Trần Duy Mỹ Mất tích năm 1973.
Trung Tá Nguyễn Thanh Văn
Thượng Sỉ 1 Nguyễn Công Lợi

Tử Sĩ Đoàn  Công Tác 72 Nha Kỹ Thuật
Trung Tá Nguyễn Đức Phó CHT Đoàn 72 Hy Sinh tại Đoàn Công Tác 72 Sơn Trà Đà Nẵng Việt Nam
Thiếu Tá Nguyễn Văn Tùng CHP Đoàn 72 Hy Sinh tại Đoàn Công Tac 72 Sơn Trà Đà nẵng Viet Nam
Thiếu Uý Lê Văn Trung Đoàn 72 Trực Thăng Bốc Toán bị bắn rơi khu vực đường mòn 545 đèo Mủi Trâu Quảng Nam Việt Nam 

Trung Sĩ Phạm Hữu Lương Nước Đà Nẵng Việt Nam
Chuẩn Úy Nguyễn Trọng Vui và Trung Sĩ Hậu truyền tin đều tuẩn tiết   thuộc địa phận Xã Hòa Thanh ,Quận Hòa Vang ,Quảng Nam- Đà Nẵng . 
Chuẩn Uý Nguyễn Văn Nam Đoàn 72 Hy Sinh tai nạn Trực Thăng Non Nước Đà Nẳng Việt Nam
Chuẩn Uý Phạm Đình Trung Đoàn 72 
Thượng Sĩ Nguyễn Châu Đoàn 72
Thượng Sĩ Trần Trung Thành Đoàn 72 Hy Sinh tại Đoàn 72 Sơn Trà Đà Nẵng 
T/S I Nguyễn Đức Sinh Đoàn 72 Hy Sinh khu Tam Bien 

T/S I Nguyễn Rất Đoàn 72 Hy Sinh Đồng Đen Quảng Nam Vietnam 
Trung Sĩ Huỳnh Tấn Dũng Đoàn 72 Hy Sinh Toán Đặc Biệt thuộc tỉnh Quảng Nam 

Trung Sĩ Huỳnh Thanh Phong Đoàn 72 Hy Sinh tại Đà Nẵng
Trung Sĩ Đào Hồng Thuỷ Đoàn 72 Hy Sinh trong chuyến Công Tác tại Tam Biên 

Trung Sĩ Lê Hương Đoàn 72
Trung Sĩ Nguyễn Thành Lai Đoàn 72
Trung Sĩ Nguyễn Văn Bảy Đoàn 72
Trung Sĩ Nguyễn Văn Quang Toán 723 Đoàn 72 

Trung Sĩ Nguyễn Văn Quy Đoàn 72
Trung Sĩ Nguyễn Minh Đoàn 72
Trung Sĩ Nguyễn Mùi Đoàn 72 Hy Sinh 

Trung Sĩ Nguyễn Tươi Đoàn 72
T/Si  Nguyễn Hữu Hùng Hy Sinh trong khi thi hành công tác Cây số 17 Huế Việt Nam
Trung Sĩ Tạ Tánh Đoàn 72 Hy Sinh trong khi thi hành công tác tại Huế Việt Nam 
T/Si Nguyễn Đức Phước Toan 729 Hy Sinh 27 tháng 1 nam 1973 tại cây số 17 Huế
Trung Sĩ Trần Quang Taì Đoàn 72 Hy Sinh trong khi thi hành công tác tại Helen Huế 
Trung Sĩ Trần Nam Đoàn 72
Trung Sĩ Trương Đình Đức Đoàn 72
Trung Sĩ Vũ Ngọc Hinh Đoàn 72
Trung Sĩ Mai Tấn Sử Đoàn 72 Hy Sinh Helen Huế

Trung Sĩ Nguyễn Văn Tư Đoàn 72 Hy Sinh tai nạn Trực Thang Non Nước Đà Nẵng 
Binh Nhất Trần Phỏng Đoàn 72 Hy Sinh tại nạn Trực Thăng Non Nước Đà Nẵng 

Thượng Sỉ Hồ Đắc Bảy 
Trung Sỉ Lê Văn Thành Non Nước Đà Nẵng 
Chuẩn Úy Hùynh Minh Thọ
T/Si Nguyễn Hoài Nam tử trận tai Tam Biên năm 1971.
Châu Chóp Mất tích toán Đặc Biệt Quảng Nam 1974
Tr/s Hà văn Nhường Non Nước Đà Nẵng.

Tử Sĩ Biệt Hải / Sở Phòng Vệ Duyên Hải
Lê Ánh
Nguyễn Văn Miễn
Nguyễn Văn Vượng
 

Nguyễn Phi Hùng
Nguyễn Văn Nhỏ 

Ðoàn Ngọc Hoàn
Trần Văn Lai 

Nguyễn Tín
Nguyễn Cháu
Phạm Việt
Trần Thưởng
Lê Văn Quốc
Phan Cẩm
Ðổ Kích
Nguyễn Văn Hảo

 Nguyễn H. Hùng
Hoàng Thành
Ðào Hữu Tuyên
Lê Thế Vị
Nguyễn Xuân Tam
Nguyễn Học
Vũ Văn Sắc
Nguyễn Văn Nhân
Nguyễn Văn Giới

 Nguyễn Ly
Nguyễn Văn Phước 

Nguyễn Hữu Tuyến
Lê Văn Tiến
Nguyễn Hữu Sắc
Phạm Tiếp
Nguyễn Hùng
Nguyễn Cam
Nguyễn Cường
Lê Văn Việt
Nguyễn Hữu Từ
Nguyễn Văn Trường

 Lê Văn Vui
Lê Văn Ðáng
Lê Thành Mỹ
Nguyễn Văn Thế Giới 

Nguyễn Ðức Bằng
Nguyễn Hữu Kế
Huỳnh Văn Tâm 

Võ Chàng


Tử Sĩ Đoàn 1 Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật
1/ Chẩn úy Hoài (bị pháo kích ở Suối máu, Biên Hòa, lìa đứt mất đàu).
2/ Trung sĩ Tính (Toán bị đụng, hôm sau vào lấy xác không thấy).
3/ Trung sĩ Danh Phúc (HSQ Đồng Đế mới về chưa đi được chuyến nào, bị đánh đặc công trại Suối máu, chết tại chỗ, cùng đêm BKQ Hoàng thế Phương bị thương).


Tủ Sĩ Chiến Đoàn 3 Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật
* Trung Sĩ Tăng Dù Lỹ - Toán Trưởng Toán Hỏa Sơn
* Biệt Kích Trịnh Văn Thôn - Toán Trường Sơn
* Biệt Kích Nguyễn Văn Khuông - Toán Biên Sơn
* Biệt Kích Phạm Văn Ba - Toán Thất Sơn
* Biệt Kích Triệu Tiến Và - Toán Giang Sơn
* Chuẩn Úy Lưu Thanh Châu - Bộ Chỉ Huy - 32 Chiến Thuật
* Trung Sĩ Trần Văn Lai - Bộ Chỉ Huy - 32 Chiến Thuật
* Trung Sĩ Nguyễn Văn Ngà - Ban Truyền Tin, Chiến Ðoàn 3
* Trung Sĩ Lê Văn Tãi - Toán Tiếp Ứng, Ðại Ðội 2
* Chuẩn Úy Hoàng Ngọc Tặng - Ðại Ðội Thám Sát
* Chuẩn Úy Vũ Trần Bảo-Hưng - Ðại Ðội Thám Sát
* Ðại Úy Nguyễn Văn Quang - Trưởng Ban 3, tử trận khi trại bị thất thủ cùng đêm thành phố Ban Mê Thuột bị rơi vào tay cộng sản 3/09/75
* Trung Úy Nguyễn Văn Cường - Ban 4, tử trận đêm 3/09/75
* Trung Sĩ I Nguyễn Văn Long - Ðại Ðội Thám Sát, tử trận đêm 3/09/75
* Hạ Sĩ Nguyễn Văn Tư - Bộ Chỉ Huy Chiến Ðoàn, tử trận đêm 3/09/75
Tử Sĩ Đoàn Công Tác 68 Nha Kỹ Thuật
Trung Sĩ Nguyễn Văn Huyết Đoàn 68
Trung Sĩ Lê Tuấn Anh Đoàn 68
Hắc Long Cao Văn Hồi Đoàn 68
Đaị Uý Đào Hữu Tuyền Đoàn 68
Hắc Long Đào Xuân Đoàn 68 Hắc Long
Đỗ Văn Nhạc Đoàn 68
Đaị Uý Lâm Xuân Hòa Đoàn 68
Hắc Long Nguyễn Đức Hậu Đoàn 68
Hắc Long Nguyễn Văn Nhỏ Đoàn 68
Trung Si Nguyễn Văn Quyết Đoàn 68
Hắc Long Nguyễn Văn Thế Đoàn 68
Đại Úy Đặng Thế Nghiệm Đ68

Tử Sĩ Đoàn Công Tác 71Nha Kỹ Thuật 

Thiếu Uý Nguyễn Văn Hải Đoàn 71
Trung Sĩ Lê Văn Kim Đoàn 71
Hắc Long Đặng Hùng Xung Đoàn 71
Hắc Long Đặng Nam Đoàn 71
Hắc Long Đoàn Viết Thạnh Đoàn 71
Hắc Long Dương Văn Tre Đoàn 71
Hắc Long Lê Văn Thân Đoàn 71
Hắc Long Le^ Văn Hai Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Đình Bảo Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Ngọc Châu Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Ta^'n Ky` Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Văn An Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Văn Chi'nh Đoàn 71
Trung Si Nguyễn Văn Hải Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Văn Khứ Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Văn Lộc Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Văn Phu' Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Văn Quang Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Văn Quý Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Văn Tuấn Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Hiếu Đoàn 71
Hắc Long Nguyễn Sĩ Đoàn 71
Hắc Long Sooc Sum Đoàn 71
Hắc Long Trần Văn Cu+?u Đoàn 71
Hắc Long Trần Văn Trung Đoàn 71